EU tìm cơ chế khẩn cấp tránh khủng hoảng nguồn cung

Liên minh châu Âu (EU) vừa đề xuất dự thảo quy định trao cho Ủy ban châu Âu (EC) quyền khẩn cấp giải quyết các cuộc khủng hoảng nguồn cung. Theo đó, cái gọi là “Công cụ khẩn cấp thị trường duy nhất” có thể buộc các quốc gia thành viên dự trữ các sản phẩm chủ chốt và phá vỡ hợp đồng khi khủng hoảng xảy ra.
Ngành sản xuất nhôm và kẽm của EU bị ảnh hưởng nặng từ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Ảnh : EPA
Ngành sản xuất nhôm và kẽm của EU bị ảnh hưởng nặng từ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Ảnh : EPA

Cần phản ứng tập thể 

 Theo dự thảo “Công cụ khẩn cấp thị trường duy nhất” (Single Market Emergency Instrument - SMEI), các công ty có trụ sở tại châu Âu có thể bị buộc phải ưu tiên sản xuất các sản phẩm chủ chốt và dự trữ hàng hóa liên quan đến khủng hoảng. Cơ chế này được đề xuất nhằm đối phó các vấn đề nguồn cung do tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine.

Dự thảo quy định trao quyền cho EC yêu cầu các nước EU tái tổ chức chuỗi cung ứng và tăng nguồn cung các mặt hàng liên quan đến khủng hoảng nhanh nhất có thể, gồm mở rộng hay cải tiến các cơ sở sản xuất hiện có, hoặc thiết lập các cơ sở mới và đưa hàng hóa liên quan đến khủng hoảng ra thị trường.

Báo Financial Times dẫn lời ông Thierry Breton, Ủy viên Thị trường EU, cho rằng cách tốt nhất để quản lý một cuộc khủng hoảng là dự đoán, giảm tác động của khủng hoảng hoặc ngăn nó xảy ra. Các quy tắc mới sẽ cho phép Brussels yêu cầu các công ty cung cấp thông tin về năng lực sản xuất và hàng tồn kho của họ.

Cũng theo dự thảo quy định, các doanh nghiệp cung cấp thông tin sai lệch hoặc lừa dối có thể bị phạt đến 300.000EUR (khoảng 300.099USD) trong khi những doanh nghiệp không tuân thủ lệnh ưu tiên các sản phẩm chủ chốt có thể phải chịu đóng phạt hàng ngày ở mức 1,5% doanh thu trung bình ngày.

Ông Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch Điều hành phụ trách cạnh tranh của EU, cho biết: Covid-19 đã cho thấy, chúng ta phải làm cho thị trường duy nhất của mình hoạt động mọi lúc, kể cả trong thời gian khủng hoảng. Chúng ta phải làm để nó mạnh hơn, cần những công cụ mới cho phép tập thể phản ứng nhanh để giải quyết những tắc nghẽn về nguồn cung.

Trở ngại phía trước

 Tuy nhiên, đề xuất dự kiến vấp phải phản đối mạnh mẽ từ các doanh nghiệp và một số nước EU vốn quan ngại rằng cơ chế này vượt quyền hạn của EC. Một số doanh nghiệp cho rằng, Brussels đã đi quá xa khi can thiệp vào hoạt động của công ty và tìm cách tăng cường quyền lực của mình mà không đánh giá tác động thích hợp của các biện pháp được đề xuất. Trong khi các quốc gia thành viên nhất trí về sự cần thiết phải bảo vệ thị trường chung EU trong thời kỳ khủng hoảng, thì các nước trước đây thuộc khối phía Đông lại càng cảnh giác với một “nền kinh tế chỉ huy”. Do đó, dự thảo này càng trở nên nhạy cảm.

Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, các nhà quản lý ở Brussels đã thông qua luật cho phép cấm xuất khẩu vaccine như một phản ứng đáp trả việc Mỹ chặn các chuyến hàng chở vaccine sang châu Âu. Khi đó, các quốc gia thành viên cũng buộc các doanh nghiệp chuyển sang sản xuất máy thở và khẩu trang vì họ phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn nguồn cung. Các quan chức EU cho biết, hiện đang có những vấn đề tương tự trên thị trường phân bón. Giá khí đốt cao đã làm tăng chi phí sản xuất và hạn chế sản lượng lên đến 70% trên toàn EU.

Giới chức EU cho rằng khối cần chuẩn bị tốt hơn để phản ứng với cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng tiếp theo. Một số quốc gia khác đã có các biện pháp dự trữ chiến lược và các đơn đặt hàng ưu tiên, chẳng hạn như Đạo luật Sản xuất quốc phòng của Mỹ (DPA) được kích hoạt tháng 4-2020 nhằm dừng hoạt động xuất khẩu khẩu trang cũng như các thiết bị bảo hộ y tế khác.

Tin cùng chuyên mục