EU quyết tìm tiếng nói chung

Pháp và Đức rất gần với một thỏa thuận về cải cách Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sau nhiều tháng do dự từ Đức. Đề xuất của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về cải cách Liên minh châu Âu (EU) và Eurozone sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh EU trong 2 ngày 28 và 29-6 tới. 

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp tại Berlin vào tháng 4-2018
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp tại Berlin vào tháng 4-2018
Ý tưởng về EMF 

Đức và Pháp là 2 đầu tàu của EU và Eurozone, vì vậy các quyết định của họ có thể ảnh hưởng đến toàn khối. Theo AP, Paris và Berlin đang tìm cách cân bằng giữa kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Pháp với châu Âu và phương pháp thận trọng hơn của Thủ tướng Đức Angela Merkel trước Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU). 

Đức đã tránh các cuộc thảo luận nghiêm túc về cải cách Eurozone trong nhiều tháng qua, kêu gọi ông Macron tăng thêm phần đóng góp của Pháp vào Eurozone hơn là dồn gánh nặng sang Đức trong vấn đề xử lý các cuộc khủng hoảng của các thành viên Eurozone. Tuy nhiên, đầu tháng này, bà Merkel đã đưa ra câu trả lời chi tiết cho lời kêu gọi của ông Macron để “đại tu” Eurozone, bao gồm việc tạo ra một quỹ đầu tư giúp các nước nghèo châu Âu bắt kịp trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới, cùng việc thành lập một cơ quan chung của EU để xử lý vấn đề người tị nạn. Nhưng quy mô quỹ đầu tư nói trên vẫn là một điểm gây bất đồng quan trọng giữa 2 đồng minh. Bà Merkel cho rằng quỹ này nên ở mức tối đa 10 tỷ EUR trong khi ông Macron muốn đẩy ngân sách lên tới “tương đương với một vài điểm GDP của Eurozone” (tức vài chục tỷ EUR). Ông Macron nói rằng quỹ chung có thể được sử dụng để giúp Eurozone vượt qua những cú sốc kinh tế và làm hài lòng những khác biệt giữa các nền kinh tế trong Eurozone. Bà Merkel đề nghị tạo ra một quỹ tiền tệ của EU, theo quan điểm của bà, nên đóng một vai trò quan trọng trong Eurozone. Một “EMF” (như Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) như vậy sẽ có thể cho các thành viên EU gặp khó khăn kinh tế dễ dàng hơn là chờ các định chế khác. Đổi lại, EMF sẽ được cấp quyền theo dõi vấn đề tài chính của các nước thành viên. 

Xử lý di dân
 
Theo truyền hình Đức DW, trong cuộc khủng hoảng người tị nạn gần đây, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đồng ý rằng các quốc gia thành viên EU nên tích hợp hệ thống dữ liệu của họ và làm việc chặt chẽ hơn với các quốc gia có người tị nạn xuất phát. Cả hai cho rằng cần nỗ lực tạo cơ hội cho những người trẻ tuổi có triển vọng tốt hơn cho tương lai, đặc biệt là ở châu Phi thông qua các chương trình phát triển kinh tế để họ không rời bỏ quê nhà. Hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng cần hợp tác chặt chẽ hơn với các nước tiếp giáp với khu vực Eurozone cũng như các nước tiếp nhận di dân quá cảnh. Bà Merkel và ông Macron nhấn mạnh EU nên áp dụng cách tiếp cận thống nhất với những người xin tị nạn thông qua các tiêu chuẩn chung. Về lâu dài, lực lượng biên giới của châu Âu phải được tăng cường. 

Di dân lại một lần nữa đe dọa chia rẽ EU khi lãnh đạo Italia mới đây từ chối áp lực từ bà Merkel, bác bỏ thẳng thừng việc nhận người nhập cư. Bà Merkel muốn trì hoãn các quy định siết chặt xin tị nạn tại biên giới Đức, đồng thời kêu gọi với các nước tiền tuyến như Italia, Hy Lạp và Bulgaria nới lỏng. Các quan chức EU và nhà ngoại giao cùng bộ trưởng châu Âu đã theo dõi chặt chẽ tình hình ở Đức, bao gồm cả thái độ của báo chí Đức với người tị nạn. Vấn đề nhập cư cũng đã làm lu mờ các cuộc thảo luận về Eurozone giữa bà Merkel và ông Macron.

Tin cùng chuyên mục