EU nhập cuộc sâu vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và những hành động của nước này ở Biển Đông đã khiến Liên minh châu Âu (EU) phải thay đổi chiến lược để nhập cuộc sâu hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tàu chiến Pháp và Australia diễn tập tiếp dầu trên Biển Đông hôm 17-4. Ảnh: Hải quân Australia
Tàu chiến Pháp và Australia diễn tập tiếp dầu trên Biển Đông hôm 17-4. Ảnh: Hải quân Australia

Quyết định chưa có tiền lệ

Nhằm thể hiện tầm ảnh hưởng tại châu Á, EU đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tháng 4-2021. Đây là quyết định chưa từng có tiền lệ, đặt EU vào những tình thế đối đầu với Trung Quốc. Tài liệu dài 10 trang có tên chính thức là Chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm một loạt khía cạnh hợp tác song phương rộng rãi với các đối tác khu vực, từ thương mại, đầu tư, biến đổi khí hậu cho tới đối phó với đại dịch Covid-19, chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia và chống lan truyền những thông tin sai lệch.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU đã khẳng định, châu Âu quyết tâm tăng cường ảnh hưởng trong khu vực. Được cả 27 ngoại trưởng các nước thành viên EU thông qua, tài liệu chính sách của Hội đồng EU đã phản ánh sự công nhận tầm quan trọng ngày càng gia tăng của khu vực này và cam kết của EU nhằm thúc đẩy vai trò của mình trong việc hợp tác với các đối tác ở đây.

Trước khi có chiến lược mới, trọng tâm địa chính trị của EU tập trung ở những khu vực láng giềng, chẳng hạn như khu vực Đông Âu hay Địa Trung Hải, hoặc mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Mỹ. EU chủ yếu nhìn nhận Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung qua lăng kính của thương mại và đầu tư. Đặc biệt, Đức - đầu tàu kinh tế khu vực, đã khuyến khích sự hợp tác mang tính xây dựng với Trung Quốc qua cái gọi là chính sách “thay đổi qua thương mại”. Chiến lược tập trung vào kinh tế này đã thúc đẩy thỏa thuận đầu tư EU - Trung Quốc được ký kết vào năm ngoái, khi quốc gia châu Á này trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU. Tuy nhiên, tăng cường sự phụ thuộc về kinh tế không tạo ra sự hòa bình địa chính trị như cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc và Đức kỳ vọng. 

Trong những năm gần đây, quan hệ song phương này ngày càng gia tăng bất đồng về một loạt vấn đề từ nhân quyền, thương mại cho tới an ninh hàng hải. Năm 2019, trong một cuộc trao đổi chiến lược nhằm đưa ra 10 khuyến nghị của khối này để đối phó với Trung Quốc đang trỗi dậy, EU đã gọi Bắc Kinh là “đối thủ cạnh tranh kinh tế theo đuổi sự lãnh đạo toàn cầu và là kẻ thù hệ thống thúc đẩy các mô hình quản trị thay thế”.

Xây dựng chính sách mới

Các nước lớn ở châu Âu cũng đang tham gia vào chiến lược này. Trước đó, các nước thành viên EU như Pháp, Đức và Hà Lan đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của riêng mình, nhấn mạnh đến lợi ích ngày càng gia tăng trong việc trở thành những đối tác quan trọng của khu vực năng động nhất thế giới này. Năm ngoái, 3 nước châu Âu là Pháp, Đức và Anh đã gửi một công hàm chưa từng có tiền lệ tới Liên hiệp quốc, công khai chỉ trích Trung Quốc vi phạm thượng tôn pháp luật, đặc biệt là những hành động của nước này ở Biển Đông. Lo ngại trước hành vi của Trung Quốc trên biển, Pháp đã thường xuyên tiến hành các chuyến tuần tra hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi nước này có một số vùng lãnh thổ, đồng thời nhanh chóng tăng cường quan hệ quốc phòng với những đối thủ của Trung Quốc như Ấn Độ và Australia.

Lần đầu tiên trong 2 thập kỷ, Đức cũng triển khai một tàu chiến tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong vài tháng tới. Sau hội nghị trực tuyến “2+2” giữa Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer với những người đồng cấp Nhật Bản, Berlin nhất trí đưa 1 tàu khu trục tới Đông Á và Tây Thái Bình Dương. Trên hành trình trở về, tàu khu trục Bayern của Đức dự kiến sẽ đi qua Biển Đông nhằm thể hiện sự ủng hộ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do. Nhật Bản cũng mời Đức tham gia cuộc tập trận chung trong khu vực, trong khi Pháp và Anh đều tiến hành những chiến dịch tự do hàng hải trong những năm gần đây.

Trong khi đó, nước Anh hậu Brexit dự kiến triển khai hạm đội hải quân lớn nhất từ trước đến nay, dẫn đầu là tàu sân bay HMS Queen Elizabeth nặng 65.000 tấn, tới khu vực. Hạm đội của Anh sẽ đi cùng các tàu chiến từ những nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khác, như tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS The Sullivans của Hải quân Mỹ và tàu khu trục HNLMS Evertse của Hải quân Hà Lan trong hành trình kéo dài nhiều tháng, đi qua 40 quốc gia trong khu vực và thể hiện sự thống nhất về lực lượng nhằm đối phó với Trung Quốc.

Lý giải về các động thái của Anh, Pháp, Đức ở khu vực Biển Đông, tạp chí The Diplomat nhận định, các cường quốc hàng đầu châu Âu đang phát đi tín hiệu sẵn sàng thúc đẩy hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở đây. Dù chỉ là một trong nhiều công cụ mà các bên không đưa ra yêu sách có thể sử dụng trong vấn đề tranh chấp biển, nhưng các FONOP cũng truyền tải được thông điệp và là động thái tượng trưng nhằm nâng cao sự hiện diện của các tàu hải quân châu Âu ở châu Á, khẳng định rằng, các nước có quyền đi qua khu vực được chỉ định là vùng biển quốc tế.

Ngoài các FONOP diễn ra thường xuyên và nổi bật hơn, một số nước thành viên EU đã tiến xa hơn bằng cách xây dựng các chính sách dành riêng cho khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Mặc dù những hướng dẫn này gần giống với các mục tiêu trong chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” của Mỹ, nhưng các mô hình được đưa ra - trước hết là Pháp (tháng 5-2018), sau đó là Đức (tháng 9-2020) và Hà Lan (tháng 11-2020) - cũng cho thấy tiềm năng về một lập trường thống nhất hơn của châu Âu đối với khu vực này. Chính sách của Hà Lan kêu gọi EU đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc hợp tác với các bên khác để duy trì quyền đi lại tự do và an toàn hàng hải trong khu vực.

EU cũng đã tìm cách tăng cường mối liên kết ngoại giao của mình với khu vực ở tư cách là thành viên Diễn đàn khu vực ASEAN kể từ khi ký kết Hiệp ước thân thiện và hợp tác năm 2012. Một nghị trình khái quát, tập trung vào các vấn đề ngoài an ninh và tích hợp các tuyến đường vận chuyển mở với các thị trường mở và thương mại tự do, tính kết nối kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng, cũng như biến đổi khí hậu sẽ làm nổi bật thế mạnh của châu Âu và có thể trở nên hữu ích đối với sự can dự của châu Âu trong khu vực.

Tin cùng chuyên mục