EU - Mỹ tìm kiếm thỏa thuận đình chiến thương mại

Mức thuế mới lên đến 25% mà Mỹ áp cho nhiều mặt hàng của châu Âu có hiệu lực từ ngày 12-1 khiến quan hệ giữa hai bên gia tăng căng thẳng. Nhằm tháo gỡ khó khăn, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ tìm kiếm một thỏa thuận đình chiến thương mại với chính quyền của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden.
Nhà máy sản xuất máy bay Airbus tại Pháp
Nhà máy sản xuất máy bay Airbus tại Pháp

Nhiều hệ lụy

 Mức thuế mới là một phần trong tranh chấp kéo dài 16 năm qua giữa Mỹ và EU liên quan vấn đề trợ cấp cho các hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu. Các sản phẩm liên quan tới ngành chế tạo máy bay, nhiều sản phẩm đồ uống có cồn của các nước tham gia sản xuất máy bay Airbus gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp trong đợt áp thuế mới. Tổng cộng hơn 150 sản phẩm của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng. Có thể coi bước leo thang căng thẳng thương mại lần này giữa EU và Mỹ là kết quả đã được báo trước từ chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump.

Chính phủ của Tổng thống Trump tiến hành bước đi trên sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chấp thuận đơn khiếu nại của EU cho phép khối 27 quốc gia này áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trị giá 4 tỷ USD. Trước khi mức thuế mới có hiệu lực, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU nhằm tháo gỡ mâu thuẫn đã rơi vào bế tắc vài tuần trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mãn nhiệm.

Trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump, quan hệ Mỹ - EU nảy sinh nhiều chia rẽ từ chính sách an ninh, khí hậu, thương mại đến thuế công nghệ. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, tranh chấp giữa hai bờ Đại Tây Dương đã đe dọa quan hệ thương mại trị giá 1.300 tỷ USD giữa hai bên, từ đó gây thiệt hại cho các bên liên quan. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cảnh báo, xung đột thương mại leo thang EU - Mỹ đang gia tăng sức ép đối với lòng tin và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, tạo ra bất ổn về chính sách, gia tăng rủi ro trên thị trường tài chính và gây nguy hiểm cho triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Cơ hội cải thiện quan hệ

 Việc EU muốn sớm khởi động đối thoại với chính quyền mới của Mỹ cho thấy khối này rất mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Theo hai chuyên gia phân tích Melchior Szczepanik và Pawe Markiewicz thuộc Viện Các vấn đề quốc tế Ba Lan, những lợi ích chung trong quan hệ với Trung Quốc, ý định của ông Joe Biden nhằm tăng cường mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và tham vọng của ông về vấn đề khí hậu đang tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc cải thiện hợp tác hai bên. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến những tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ cùng với thâm hụt thương mại vẫn sẽ là những vấn đề gây tranh cãi trong quan hệ kinh tế Mỹ - EU.

Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã chỉ trích chính sách bảo hộ của chính quyền Tổng thống Trump. Vì vậy, EU tin rằng ông Joe Biden trong nhiệm kỳ tổng thống sẽ sẵn sàng rút lại các mức thuế quan do ông Donald Trump áp đặt. EU cũng đang xúc tiến kế hoạch làm mới quan hệ chiến lược xuyên Đại Tây Dương sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Nhà Trắng nhằm xóa bỏ những căng thẳng dưới thời ông Donald Trump và đương đầu với “thách thức chiến lược” từ Trung Quốc. Giới chức châu Âu kỳ vọng, nửa đầu năm 2021 là thời điểm thích hợp để khởi động chương trình nghị sự mới của EU và Mỹ.

Tin cùng chuyên mục