EU muốn hiện diện rõ nét ở Afghanistan

“Lấp đầy chân không chính trị” là cụm từ Brussels gọi tên những gì đang diễn ra ở Afghanistan, kêu gọi EU nhanh chóng hành động, theo một thông cáo báo chí của Nghị viện châu Âu (EP) hôm 17-8.

Thông cáo do các quan chức EU mà Chủ tịch Ủy ban đối ngoại David McAlister đứng đầu, đồng ký tên, nhấn mạnh EU cần phát triển một chiến lược mới cho Afghanistan và khu vực, đồng thời kêu gọi Pakistan, Iran và Ấn Độ “nên đóng vai trò xây dựng ở Afghanistan”.

Cuộc gặp giữa cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai (giữa, bên trái) và thủ lĩnh cấp cao Taliban Haqqani Anas Haqqani (giữa, bên phải) cùng Abdullah Abdullah, người đứng đầu Hội đồng Hòa giải quốc gia Afghanistan và từng là nhà đàm phán của chính phủ với Taliban (phải) tại Kabul sau khi Taliban chiếm thủ đô hôm 18-8.  Ảnh: Taliban cung cấp cho AP
Nhìn lại thực tế, trong khi EU còn đang kêu gọi phát triển một chiến lược mới cho Afghanistan trong tình hình mới, thì các nước cận kề đã có ít nhiều kinh nghiệm. Trung Quốc đã làm việc với phong trào Taliban, khi phong trào này làm chủ Kabul năm 1996. Sau này, Bắc Kinh hợp tác chặt chẽ với Islamabad trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) để ủng hộ các cuộc đàm phán liên Afghanistan và ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố.


Tháng 10-2018, Maulana Sami ul-Haq, người sáng lập phong trào Taliban ở Pakistan, từng kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn ở Afghanistan. Các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu vào mùa hè và mùa thu năm 2019, khi một phái đoàn từ văn phòng Qatar do Mullah Abdul Ghani Baradar (lãnh đạo cánh chính trị của phong trào Taliban) dẫn đầu, gặp gỡ ông Đặng Tích Quân, đại diện đặc biệt của Trung Quốc tại Afghanistan. Kể từ đó, những cuộc tiếp xúc không chính thức ở các cấp độ khác nhau vẫn duy trì.

Ở một cấp độ chừng mực hơn, Nga cũng là một trong những quốc gia không đóng cửa Đại sứ quán vào ngày quân Taliban tiến vào Kabul. TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong một phát biểu ngày 17-8 cho biết, một mặt, Nga chưa vội công nhận chế độ Taliban, nhưng mặt khác, Nga ghi nhận “những tín hiệu tích cực từ phía phong trào Taliban liên quan đến việc phát triển của Afghanistan trong tương lai, cũng như việc Taliban sẵn sàng gặp các lực lượng chính trị khác nhau trong nước”.

Ngày 19-8, tờ Tin Tức (Nga) đã đăng bài phỏng vấn Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga Nikolai Patrushev, khẳng định không có tiền đề cho việc đưa quân Nga vào Afghanistan như ở Syria. Ngược lại, Nga sẽ “tập trung vào nỗ lực chính trị và ngoại giao, cùng các đối tác thiết lập đối thoại nội bộ Afghanistan”, nhắc lại “định dạng Moscow” đến nay với Nga vẫn là giải pháp tối ưu trong việc giải quyết vấn đề Afghanistan.

Định dạng này xuất hiện từ năm 2017, với cơ chế sáu bên gồm Nga, Afghanistan, Trung Quốc, Pakistan, Iran và Ấn Độ. Đây là một thể thức tham vấn linh hoạt, chẳng hạn tại Moscow vào tháng 3-2021, đã diễn ra cuộc gặp “bộ ba mở rộng” ở cấp đặc phái viên gồm Nga, Trung Quốc, Pakistan, Mỹ. Các đại diện của Qatar, Taliban và Thổ Nhĩ Kỳ cũng được mời tham dự, để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Afghanistan. Trong bối cảnh các sự kiện xảy ra ở Afghanistan, Nga cho rằng cần phải nhớ tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng quân sự. Một trong những tiếp xúc đầu tiên giữa Moscow với Taliban đã diễn ra hôm 17-8, khi Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov đàm phán với đại diện của Taliban về các vấn đề an ninh của cơ quan đại diện ngoại giao Nga ở Kabul.

Trong điều kiện đó, sự “nóng ruột” của các nghị sĩ Nghị viện châu Âu là điều có thể giải thích, nhất là khi EU “sẽ chấm dứt hỗ trợ kinh tế Afghanistan cho đến khi tình hình sáng tỏ”, gói gọn vai trò của Brussels hiện nay ở Afghanistan chỉ là giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và di trú sau khi quân Mỹ thoái lui - theo phát biểu của đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell. Tuy nhiên, ông Josep Borrell cũng tuyên bố Brussels cần phải đối thoại với Taliban, thừa nhận bài học cần rút ra từ thất bại của phương Tây ở Afghanistan là “một chế độ nhà nước không thể được tạo ra từ bên ngoài, nó phải được xây dựng bởi chính công dân của đất nước này”.

Tin cùng chuyên mục