EU hướng về tương lai

Hội nghị Tương lai châu Âu vừa bế mạc tại Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg (Pháp), đúng Ngày châu Âu 9-5. Hội nghị đã đưa ra những đề xuất về cải cách sâu rộng Liên minh châu Âu (EU), tập trung vào 49 đề xuất và hơn 320 biện pháp.
Lãnh đạo EU, EP và đại diện người dân EU trong phiên bế mạc hội nghị
Lãnh đạo EU, EP và đại diện người dân EU trong phiên bế mạc hội nghị

Đã đến lúc hành động

Trong buổi lễ bế mạc, Chủ tịch EP, Roberta Metsola, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - thay mặt Chủ tịch Hội đồng, và Chủ tịch EC, Ursula von der Leyen, đã nhận báo cáo tổng kết các kết luận của Hội nghị từ Ban điều hành. Các đề xuất cải cách và biện pháp thực hiện tập trung vào biến đổi khí hậu và môi trường; sức khỏe; tạo sức mạnh kinh tế, công bằng xã hội và việc làm…

Các đề xuất dựa trên ý kiến của các công dân đã trao đổi trong các hội đồng công dân châu Âu, hội đồng quốc gia và dựa trên những đóng góp được cung cấp thông qua nền tảng kỹ thuật số đa ngôn ngữ. Chủ tịch EP Roberta Metsola cho biết, người dân, đặc biệt là những người trẻ tuổi, là trọng tâm trong tầm nhìn của lãnh đạo châu Âu về tương lai của liên minh và chính họ đã định hình các kết luận của hội nghị. 

Với tư cách là Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, các cuộc khủng hoảng trong những năm gần đây đã thay đổi châu Âu. Về phần mình, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh hiện nay châu Âu đang đấu tranh cho dân chủ, hòa bình, tự do cá nhân và kinh tế. Đây cũng là trọng tâm của Hội nghị về Tương lai của châu Âu. EU phải tiếp tục đáp ứng kỳ vọng của công dân châu Âu và bây giờ là lúc để hành động.

Trong một năm qua, thông qua một loạt các sự kiện và cuộc tranh luận trên khắp EU các hội đồng công dân EU và các quốc gia, các cuộc họp toàn thể và thảo luận trên nền tảng kỹ thuật số đa ngôn ngữ, hội nghị đã thực sự trở thành một diễn đàn mở cho các cuộc tranh luận về các chủ đề mà công dân trong khối quan tâm và có ảnh hưởng đến tương lai của họ.

Ba cơ quan của EU là EP, Hội đồng châu Âu và EC sẽ phải xem xét cách thức thực hiện hiệu quả nhất những đề xuất. Một sự kiện sẽ được tổ chức vào mùa thu tới để thông báo cho dân chúng cách thức mà các cơ quan EU tuân thủ cam kết của mình.

Khó khăn

Đáng chú ý, các đề xuất kêu gọi EU loại bỏ nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối trong các quyết định của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, thuế, tài chính, một số lĩnh vực tư pháp và nội vụ, an sinh xã hội... Nguyên tắc này thường bị chỉ trích là làm chậm, hoặc cản trở sự phát triển của EU. Nếu bỏ quyền phủ quyết, EU sẽ chỉ cần 15/27 nước thành viên (tương đương 65% dân số của khối) ủng hộ để thông qua quyết định quan trọng. Những thay đổi như vậy đòi hỏi phải sửa đổi các hiệp ước của EU và là một quá trình lâu dài, khó khăn, cần đến sự nhất trí.

Đề xuất trên đã vấp phải sự phản đối của 1/3 các thành viên EU, bao gồm Bulgaria, Czech, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Latvia, Litva, Malta, Slovenia và Thụy Điển. Họ cho rằng trong bối cảnh khối đang phải đối mặt với các tác động kinh tế hậu đại dịch Covid-19, cuộc xung đột tại Ukraine và biến đổi khí hậu, thì quá trình thay đổi hiệp ước kéo dài như hiện nay sẽ chỉ lấy đi nguồn lực giải quyết các vấn đề cấp bách hơn và dẫn đến sự chia rẽ mới.

Tuy nhiên, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng việc bỏ phiếu nhằm đạt được sự đồng thuận tuyệt đối về các chính sách quan trọng sẽ không mang lại hiệu quả, nếu như EU muốn đẩy nhanh việc đưa ra quyết định. Phát biểu trước EP, bà von der Leyen nhấn mạnh EU nên đóng vai trò lớn hơn trong một số lĩnh vực như y tế, hoặc quốc phòng.

Bà khẳng định sẵn sàng ủng hộ thay đổi hiệp ước của EU khi cần thiết để đáp ứng các nguyện vọng của người dân về tương lai của khối. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tuyên bố ủng hộ việc thay đổi các hiệp ước của EU.

Tin cùng chuyên mục