EU gia tăng quyền lực thương mại

Ngày 9-12, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất dự thảo mới để bảo vệ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trước hành vi “áp bức” về kinh tế từ những nước thứ 3 nhằm đối phó với vấn đề lan tỏa căng thẳng địa chính trị sang thương mại có xu hướng gia tăng gần đây.
Căng thẳng thương mại  Mỹ - EU gây nhiều tổn thất cho cả hai phía. Ảnh: RTTNews

Bảo vệ lợi ích khối

Khi công bố dự thảo mang tên Công cụ chống áp bức (ACI), Phó Chủ tịch điều hành EC Valdis Dombrovskis nêu rõ: “Vào thời điểm căng thẳng địa chính trị gia tăng, thương mại ngày càng bị vũ khí hóa và EU cùng với các nước thành viên đang trở thành mục tiêu bị đe dọa kinh tế”. Ông nhấn mạnh, đề xuất này là thông điệp rõ ràng cho thấy EU quyết tâm bảo vệ các lợi ích của khối. 

Ông Dombrovskis nêu các ví dụ về “áp bức” kinh tế như áp thuế nhập khẩu bổ sung, kiểm tra mang tính phân biệt đối xử với hàng hóa xuất khẩu từ một nước EU hoặc tẩy chay (được nhà nước hậu thuẫn) đối với hàng hóa hay nhà đầu tư từ EU. ACI sẽ nhằm vào các quốc gia cố gắng can thiệp vào “những lựa chọn chủ quyền hợp pháp” của EU hoặc 1 trong số 27 quốc gia thành viên EU bằng cách “sử dụng hoặc đe dọa sử dụng các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại đầu tư”.

Dự thảo đề ra một loạt hành động trừng phạt mà EU có thể thực hiện nếu xác định hành vi đó là cưỡng ép, bắt nạt, như: áp đặt hàng rào thuế quan, đình chỉ tiếp cận thị trường thông qua việc sử dụng hạn ngạch hoặc giấy phép kinh doanh, hạn chế tiếp cận các chương trình mua sắm công và thị trường đầu tư. Công cụ này sẽ loại các nước có hành vi bắt nạt kinh tế khỏi các lĩnh vực sinh lời của thị trường EU.

Dự thảo cũng xác định công cụ này là một biện pháp răn đe và là phương án cuối cùng, chỉ áp dụng khi các nỗ lực khác nhằm ngăn chặn hành vi xấu không thành công. ACI sẽ ưu tiên cho cách tiếp cận mềm dựa trên sự trao đổi và đàm phán với các quốc gia áp dụng các biện pháp trên sau khi tiến hành đánh giá kỹ lưỡng liệu thực sự có hành vi áp bức kinh tế hay không. Các biện pháp trả đũa sẽ chỉ được áp đặt nếu mọi cách khác giải quyết mâu thuẫn trên đều thất bại. Theo Reuters, đây được xem là thông điệp rõ ràng của EU, rằng khối này sẽ mạnh mẽ bảo vệ lợi ích của mình.

Chống hiểm họa tương lai

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng bình luận, ACI là công cụ mới để EU chống chọi với các hình thức chèn ép thương mại đang gia tăng thời gian qua. Trước nhất phải kể đến căng thẳng thương mại Mỹ - EU dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, EU cáo buộc chính phủ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vũ khí hóa thương mại. Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump công bố mức thuế 25% với thép nhập khẩu và 10% thuế đối với nhôm nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn, gây ra bất đồng song phương lớn nhất trong quan hệ Mỹ - EU.

Gần đây nhất, vấn đề áp bức kinh tế đã được đẩy lên hàng đầu trong chương trình nghị sự EU - Trung Quốc, liên quan đến tranh cãi giữa Lithuania và Trung Quốc, sau khi thành viên EU này cho lãnh thổ Đài Loan mở văn phòng đại diện ở thủ đô Vilnius hôm 18-11. Phát ngôn viên của Tổng cục Thương mại Ủy ban châu Âu Miriam Garcia Ferrer, hôm 6-12 đã xác nhận, Brussels đang tham vấn với cả Bắc Kinh và Vilnius về cáo buộc rằng Trung Quốc đã loại Lithuania khỏi danh sách các nước trên cổng thông tin hải quan, đồng nghĩa với các nhà xuất khẩu từ quốc gia vùng Baltic này không thể chuyển hàng.

Quay trở lại ACI, trong trường hợp phải áp đặt các biện pháp trả đũa, EC tùy theo từng tình hình cụ thể để đưa ra đối phó tương xứng và thích hợp như áp đặt thuế quan, hạn chế nhập khẩu từ quốc gia bị nghi có hành vi “áp bức” kinh tế, hạn chế dịch vụ hay đầu tư... Đề xuất này sẽ được Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu thảo luận.

Tin cùng chuyên mục