EU có thiên vị?

Sau nhiều năm do dự, câu hỏi về sự mở rộng của Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa được đặt lên bàn và là tâm điểm của Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu, sau khi Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho biết các nước thành viên EU đã đạt được sự đồng thuận về việc cấp quy chế ứng cử viên cho Ukraine.
Ảnh minh họa: reuters
Ảnh minh họa: reuters

Hội nghị của khối liên minh gồm 27 nước thành viên, diễn ra trong hai ngày 23 và 24-6 ở thủ đô Brussels của Bỉ, sẽ thảo luận vấn đề Ukraine và dự kiến sẽ trao cho đất nước 44 triệu dân này tư cách ứng cử viên EU, theo khuyến nghị ngày 17-6 của Ủy ban châu Âu (EC). Hội nghị sẽ đề cập đến cả Moldova và Gruzia, vì khu vực Tây Balkan quan trọng đối với quá trình mở rộng EU và ngược lại. 

Theo Reuters, trong thư mời lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là những giá trị mà EU chia sẻ với các đối tác châu Âu khác. Ý tưởng về một cộng đồng chính trị châu Âu được đưa ra nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác chính trị. EU sẽ tổ chức một cuộc tranh luận chiến lược về cách tăng cường quan hệ để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm. 

Tuy nhiên, chính hành động đẩy nhanh tiến độ trao tư cách ứng viên cho Ukraine của EU sẽ khiến 6 nước Tây Balkan gồm Albania, Bosnia, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia thất vọng vì cho rằng các nước này có cảm giác bị đẩy ra ngoài cuộc, ngay cả khi 4/6 nước, ngoại trừ Bosnia và Kosovo, đều đã là ứng viên gia nhập EU. Việc trao tư cách ứng viên Ukraine mà không để ý đến tiến độ gia nhập của các nước Balkan - một số xin gia nhập EU từ  hơn một thập kỷ trước, cũng sẽ gửi đi “tín hiệu xấu” đối với khu vực.

Trước việc EU chỉ mất vài tuần để quyết định tư cách ứng cử viên EU và chỉ vài ngày sau khi EC đề xuất cho Ukraine và Moldova, giới phân tích cho rằng “EU không có chính sách mở rộng rõ ràng đối với Tây Balkan. Nếu các quốc gia mong muốn gia nhập EU bị chậm trễ, họ sẽ định hướng lại chính sách của mình và khi đó châu Âu sẽ chứng kiến mức độ gia tăng ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ở các nước Tây Balkan”.

Tin cùng chuyên mục