EU bàn kế hoạch tái thiết Ukraine

Ngày 25-10, Hội nghị bàn về kế hoạch tái thiết Ukraine do Chính phủ Đức (với vai trò là Chủ tịch luân phiên G7) và Ủy ban châu Âu (EC) đồng chủ trì đã diễn ra tại Berlin, Đức. 
Cơ sở vật chất ở Ukraine bị phá hủy do xung đột
Cơ sở vật chất ở Ukraine bị phá hủy do xung đột

Cần tranh thủ thời gian

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đều tuyên bố, việc tái thiết Ukraine là một “nhiệm vụ của thế hệ” và cần phải bắt đầu ngay lập tức, ngay cả khi cuộc xung đột với Nga đang tiếp diễn. Theo Thủ tướng Scholz, hội nghị này là nhằm thiết lập một Kế hoạch Marshall cho thế kỷ 21. Bất cứ ai đầu tư vào việc tái thiết Ukraine ngày nay sẽ là đầu tư vào một quốc gia thành viên EU trong tương lai.

Trong khi đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tuyên bố, thế giới không được lãng phí thời gian mà phải nhanh chóng hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước. Bà tuyên bố, EU sẽ phân bổ 1 tỷ EUR (987 triệu USD) hỗ trợ khẩn cấp cho Ukraine nhằm giúp quốc gia Đông Âu này sửa chữa cơ sở hạ tầng năng lượng bị hư hại do các vụ không kích; trước đó, EU đã cung cấp 400 máy phát điện cho Ukraine. Theo hãng tin Sputniknews, bà Ursula von der Leyen còn nhấn mạnh, EU sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính ổn định và đều đặn cho Ukraine theo các đợt trợ cấp bắt đầu từ tháng 1 năm tới, qua đó trang trải “gánh nặng tài chính trong cuộc sống hàng ngày” cho người dân Ukraine.

Tại Mỹ, một nhóm 30 thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ do Hạ nghị sĩ Pramila Jayapal dẫn đầu đã hối thúc Tổng thống Joe Biden điều chỉnh chiến lược cho cuộc xung đột Nga - Ukraine bằng cách theo đuổi một giải pháp thông qua thương lượng, song song với việc cung cấp hỗ trợ kinh tế và quân sự như hiện nay cho Kiev.

Không dễ thực hiện

Theo giới quan sát, hội nghị bàn về kế hoạch tái thiết Ukraine diễn ra trong bối cảnh các quốc gia tài trợ EU cũng đang vật lộn với tình hình lạm phát gia tăng và tăng trưởng kinh tế trong nước chậm lại. Để cam kết viện trợ tài chính khổng lồ với Kiev, họ cần sự đảm bảo từ Kiev rằng số tiền này sẽ được sử dụng cho các mục đích đã định. EU có thể sẽ yêu cầu Ukraine cam kết mạnh mẽ các kế hoạch cụ thể để minh bạch, hạn chế tham nhũng trước khi cơ cấu các khoản hỗ trợ quỹ tái thiết cho Kiev. Phản ứng do dự của EU, nếu xảy ra trong những ngày tới như dự đoán, có thể là do các nhà lãnh đạo châu Âu rút kinh nghiệm sau các sai lầm từ những nỗ lực tái thiết sau chiến tranh trước đây ở Afghanistan, Iraq, Bosnia… 

Trước đó, ngày 24-10, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, đã giải ngân thêm 500 triệu USD để giúp Ukraine đáp ứng các nhu cầu chi tiêu khẩn cấp trong bối cảnh xung đột tại nước này đã bước sang tháng thứ 9.  

Mặc dù WB ước tính chi phí thiệt hại là 350 tỷ EUR (345 tỷ USD), nhưng Thủ tướng Ukraine Denis Schmyhal ngày 23-10 cho biết, thiệt hại do xung đột đã lên tới hơn 750 tỷ USD (762 tỷ EUR). Tờ Washington Post dẫn nhiều nguồn tin ước tính thiệt hại thậm chí có thể lên tới 1.000 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục