Em trai được cứu nhờ quả thận của chị ruột

Ngày 28-9, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM cho biết, vừa tiến hành ghép thận thành công cho anh V.Q.D. (31 tuổi, ngụ tại Bình Phước). Người hiến thận cho anh D. là chị ruột tên V.T.H., (37 tuổi, ngụ tại Bình Dương).
GS.TS.BS. Trần Ngọc Sinh khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện
GS.TS.BS. Trần Ngọc Sinh khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện

Theo ThS.BS. Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội thận – Thận nhân tạo BV Đại học Y Dược TPHCM, cách đây 2 năm, anh D. được chẩn đoán bị suy thận mạn giai đoạn cuối.

Sau đó, anh được điều trị bằng thận nhân tạo chu kỳ tại bệnh viện địa phương. Gần đây trong quá trình chạy thận nhân tạo, anh D. thường xuyên bị tăng huyết áp, khó thở, suy tim, ăn uống kém, chân tay sưng phù, cơ thể bị suy nhược nặng.

Anh D. được chuyển đến BV Đại học Y Dược TPHCM để tiếp tục điều trị. Các bác sĩ chuyên khoa đánh giá, ghép thận là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị cho anh D..

Khi biết tin anh D. cần được ghép thận, tất cả các thành viên trong gia đình đều đến bệnh viện để xét nghiệm với hi vọng có thể tìm được quả thận phù hợp cho anh. 

Sau khi thực hiện các kiểm tra cần thiết, chỉ chị H. có các chỉ số miễn dịch học, chỉ số sinh hóa phù hợp và đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật cắt một quả thận. Chị H. được thực hiện phẫu thuật nội soi sau phúc mạc (bên phải) để lấy thận. Sau phẫu thuật 4 ngày, chị được xuất viện, sức khỏe ổn định.

Sau ghép thận, anh D. được chăm sóc đặc biệt tại phòng cách ly tuyệt đối trong vòng 5 ngày, sau đó được chuyển lên khoa Tiết niệu để tiếp tục theo dõi, cách ly tương đối sau ghép và duy trì thuốc ức chế miễn dịch liều cao.

Gần 2 tuần sau ghép, anh D. được Hội đồng Ghép thận BV cho xuất viện với tình trạng sức khỏe ổn định, các chỉ số cho thấy chức năng thận đã trở về bình thường. Anh D. được lên kế hoạch điều trị duy trì sau ghép và tái khám định kỳ tại Khoa Nội thận – Thận nhân tạo.

GS.TS.BS. Trần Ngọc Sinh, Cố vấn chuyên môn BV ĐHYD TPHCM đồng thời là phẫu thuật viên chính của ca mổ này cho biết, về mặt kỹ thuật, người bệnh có nhiều mạch máu dị dạng bất thường nên việc tạo hình mạch máu, kéo dài tĩnh mạch để ghép thận phải vào hốc chậu phải phức tạp hơn so với bình thường.
Người bệnh còn có tiền căn bị tai nạn giao thông gây gãy khung chậu trái và phải mổ tạo hình vỡ bàng quang, đã khâu với di chứng túi thừa giả.
Điều này cũng là thử thách cho ê-kíp ghép thận vì buộc phải ghép thận vào hốc chậu phải, đồng thời việc nối niệu quản của thận ghép vào bàng quang cũng khó khăn hơn. Sau 6 giờ, với sự nỗ lực của cả ê-kíp, ca phẫu thuật được thực hiện thành công.

Tin cùng chuyên mục