Duy trì lợi thế ngành tôm

ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu tôm chủ lực của cả nước. Dù đang gặp những khó khăn bởi dịch Covid-19, song các doanh nghiệp chế biến tôm vẫn nỗ lực hoạt động để đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu; đồng thời, giải quyết việc làm và ổn định nguồn tiêu thụ tôm nguyên liệu. 
Chế biến tôm xuất khẩu ở Cà Mau
Chế biến tôm xuất khẩu ở Cà Mau

Thuê khách sạn cho công nhân ở

TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) là nơi tập trung doanh nghiệp (DN) chế biến tôm xuất khẩu nhiều nhất ĐBSCL. Ông Nguyễn Thành Phương, Trưởng phòng Kinh tế TP Cà Mau, cho biết: “Có 14 DN đăng ký sản xuất “3 tại chỗ” với số lượng hơn 6.000 công nhân. Những DN có số lượng công nhân đông phải thuê chỗ ở nhiều nơi mới đáp ứng được nhu cầu”. Cụ thể như Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú có trên 1.950 người đăng ký sản xuất “3 tại chỗ”. Vì vậy, DN này thuê 6 khách sạn và trường mầm non ở TP Cà Mau, trong đó có khách sạn Mường Thanh Cà Mau (tiêu chuẩn 5 sao), dành cho công nhân ở.

Tương tự, Công ty Chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau thuê khách sạn Song Hùng và một số khách sạn khác để bố trí chỗ ở cho 600 công nhân. Công ty cổ phần Chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau thuê khách sạn Sao Kim và khách sạn Á Đông 2 để làm chỗ ở cho nhiều công nhân… Ngoài ra, các DN còn hỗ trợ tiền ăn cho công nhân mỗi ngày 3 suất ăn; có DN hỗ trợ thêm 50.000 đồng/ngày/người.  

Tại Bạc Liêu, ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh này, cho biết, do đặc thù các DN chế biến thủy sản (hơn 30 DN ở tỉnh) có đông công nhân nên khó triển khai sản xuất “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 ở Bạc Liêu được kiểm soát khá tốt, để tạo điều kiện cho DN hoạt động, tỉnh yêu cầu bố trí lại sản xuất và phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Phía DN thì giảm số lượng công nhân, một ca làm việc không quá 300 người; đồng thời phối hợp chặt với chính quyền địa phương trong quản lý công nhân. “Dù vậy, nếu tình hình dịch Covid-19 căng thẳng hơn, thì cơ quan chức năng xem xét cho tạm dừng hoạt động đối với các DN chưa an toàn”, ông Phan Văn Sáu thông tin.

Gia tăng chế biến xuất khẩu

Theo sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, giá tôm nguyên liệu có nhiều biến động. Cụ thể, giữa tháng 7-2021 giá tôm thẻ tăng từ 1.000-8.000 đồng/kg (tùy loại), giá tôm sú thì ổn định. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 trở đi, khi các tỉnh ĐBSCL tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội, thì giá tôm giảm lại. Tôm sú loại 20 con/kg giá còn 210.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 30 con/kg giá 131.000 đồng/kg, loại 100 con/kg giá 77.000 đồng/kg…, giảm từ 5.000-10.000 đồng/kg tùy loại.

Giám đốc một DN chế biến tôm xuất khẩu tại tỉnh Sóc Trăng phân tích, do việc đi lại khó khăn trong thời gian giãn cách nên ảnh hưởng đến thu hoạch, mua bán, vận chuyển tôm... Ngoài ra, các nhà máy chế biến tôm cũng giảm số lượng công nhân, giảm công suất chế biến; cộng với một số container bị ách tắc ở cảng, chốt kiểm soát…, từ đó tác động đến tiêu thụ tôm nguyên liệu.

Dù giá tôm nguyên liệu biến động, nhưng tình hình xuất khẩu vẫn khả quan. Theo Bộ NN-PTNT, trong tháng 7-2021 các DN xuất khẩu mặt hàng tôm đạt 50.000 tấn với trị giá 470 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 22% về giá trị so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm ước đạt 240.000 tấn, với giá trị 2,19 tỷ USD, tăng 15,5% về lượng và tăng 16% về giá so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu tôm của nước ta sang các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Anh, Australia… có mức tăng trưởng tốt; trong khi thị trường Trung Quốc thì giảm. Riêng thị trường Hàn Quốc giảm nhẹ về lượng, nhưng tăng về giá trị so với cùng kỳ.

Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) nhận định, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới có chiều hướng tăng cao, đặc biệt ở những thị trường lớn và thị trường truyền thống. Trong khi đó, nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và những nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ dịch Covid-19. Từ đó dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những tháng tiếp theo vẫn đạt kết quả tăng trưởng tốt, do có nhiều lợi thế từ hiệp định FTA và đảm bảo được sự ổn định trong nuôi trồng.

Tại ĐBSCL, sở công thương các tỉnh cũng cho rằng, tình hình xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2021 dự báo khả quan, bởi các đơn hàng mà DN xuất khẩu ký kết vẫn nhiều. Dù vậy, khó khăn nhất hiện nay là giá cước vận tải tăng, thiếu container, thiếu tàu vận chuyển… Đồng thời, nhiều việc còn phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19.

Dù có những trở ngại, song đường đi cho con tôm ĐBSCL vẫn khá rộng, bởi hàng năm việc xuất khẩu tôm của Việt Nam thường tăng mạnh từ giữa quý 3 và sang quý 4. Đây là cơ hội để các DN thủy sản tăng thị phần. Vấn đề hiện nay là các tỉnh ven biển ĐBSCL có giải pháp mở rộng “vùng xanh an toàn” để tăng diện tích nuôi tôm; tăng thêm các nhà máy sản xuất “3 tại chỗ”; tạo điều kiện thuận lợi trong thu hoạch, mua bán, vận chuyển tôm từ ao nuôi đến nhà máy nhanh hơn, mà vẫn đảm bảo quy định phòng chống dịch. Có như vậy, các DN mới đẩy mạnh tiêu thụ tôm cho nông dân; từ đó gia tăng chế biến, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu tôm từ 3,8-4 tỷ USD trong năm nay.

Tin cùng chuyên mục