Duy trì bữa cơm gia đình: Hạnh phúc nhân đôi

Cuộc sống ngày nay bộn bề với biết bao lo toan, vì thế mà bữa cơm gia đình đôi khi ít được chú trọng hơn trước. Chưa kể, xu thế của thời đại hàng quán, thức ăn nhanh được bày bán khắp nơi đáp ứng nhu cầu “nhanh, gọn, lẹ” cũng góp phần làm cho một số người trẻ dễ xa rời bữa cơm gia đình. 

 

 

Thế nhưng, nếu xét ở nhiều góc độ, bữa cơm gia đình luôn thực sự quan trọng với từng thành viên trong gia đình.
Duy trì bữa cơm gia đình: Hạnh phúc nhân đôi ảnh 1 Một gia đình tham gia cuộc thi nấu ăn, tạo sự gắn kết yêu thương giữa các thành viên. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
 Nét đẹp văn hóa 
Từ xưa đến nay, trong cuộc sống của người Việt, bữa cơm gia đình luôn được duy trì và tạo thành một nét đẹp văn hóa truyền thống. Qua bữa cơm gia đình, ông bà, cha mẹ có thể chỉ dạy con cháu điều hay, lẽ phải trong cuộc sống, từ cách học ăn, học nói, đến cách kính trên nhường dưới, cách học làm người tử tế… Theo bác Sáu, nhà ở quận 12, TPHCM, lâu nay bữa cơm gia đình luôn rất quan trọng đối với bác và gia đình mình.
“Có được cuộc sống sung túc, gia đình hòa thuận trên dưới như ngày hôm nay cũng chính là nhờ bà nhà tôi thường xuyên nấu những món ăn ngon cho chồng, cho con. Người vợ chu toàn cơm nước, người chồng lo làm ăn, rồi cả hai cùng nuôi dạy con cái hết mực, thì dần cũng tạo thành cái nếp trong gia đình, cứ vậy mà thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước… nên người. Thời gian sau này, người phụ nữ ngày càng được cha mẹ cho học hành cao hơn, ra ngoài làm việc nhiều hơn, thì việc chăm lo cho bữa cơm gia đình lại càng quan trọng hơn nữa. Tôi thấy vợ chồng mấy đứa con tôi sáng ra đi làm hết, đến chiều về mỗi đứa một việc, đứa lo con thì khỏi làm cơm, đứa làm cơm thì khỏi lau nhà… Rồi thì xong việc, cả nhà cùng dọn cơm ăn, cùng nói chuyện trên trời dưới đất, chuyện trong nước - ngoài nước, coi vậy mà vui!”, bác Sáu chia sẻ.
Với đôi vợ chồng trẻ Minh Nhân - Hải Yến, quê ở Tiền Giang, lên TPHCM lập nghiệp được hơn 5 năm nay, thì bữa cơm gia đình còn giúp cho cả hai san sẻ được với nhau rất nhiều điều trong cuộc sống.
Hải Yến cho biết: “Mặc dù mới lên thành phố làm việc được hơn 5 năm nay, nhưng vợ chồng mình cũng dành dụm được chút ít. Tuy vậy, cả hai vẫn duy trì nếp sống của gia đình ở quê lâu nay là thường xuyên… ăn cơm nhà; thỉnh thoảng mới tiệc tùng hay ăn hàng quán. Điều này không chỉ giúp vợ chồng mình tiết kiệm được một khoản chi phí mà còn giúp cho cả hai có thời gian gắn bó, chia sẻ khó khăn trong công việc. Hôm nào, vợ hay chồng gặp khó khăn gì trong công việc cũng kể cho nhau nghe, cùng nhau nghĩ cách gỡ khó cũng mau lẹ. Theo tôi, trong cuộc sống vợ chồng, nhất là những người trẻ như chúng tôi mà ngày càng thiếu vắng đi bữa cơm gia đình thì nguy hiểm cho… cả hai người. Cho nên việc duy trì bữa cơm gia đình cũng chính là cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc cho chính mình và con cái sau này!”. 
Tạo sự gắn kết
Theo các chuyên gia tâm lý, dù cuộc sống có thay đổi thế nào đi chăng nữa, bữa cơm gia đình luôn cần thiết trong mỗi gia đình chúng ta. Bởi khi sum họp dùng bữa chung với nhau, các thành viên trong một gia đình sẽ càng được gắn kết bền chặt hơn, cũng như có thể chia sẻ những tâm tư, tình cảm của nhau trong cuộc sống. Vì thế, trong cuộc sống, dù có bận rộn thế nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng nên dành thời gian chăm lo cho bữa cơm gia đình của mình. Nếu hàng ngày không được, thì chí ít trong tuần cũng phải có đôi ba lần cả nhà cùng có bữa cơm chung!
Nói về điều này, chị Mỹ Ngọc, nhân viên văn phòng ở quận 10, TPHCM, chia sẻ: “Vợ chồng tôi, mỗi sáng lo cho hai đứa con đi học rồi mạnh ai người nấy đi làm. Trưa đến, con cái học bán trú nên ở lại trường ăn trưa, rồi chiều học tiếp; còn hai vợ chồng mỗi người làm mỗi nơi nên mỗi người cũng tự lo bữa trưa cho mình. Thế nên gia đình tôi chỉ sắp xếp được mỗi buổi tối là cả nhà cùng ăn chung. Nhưng ngặt nỗi, trước đây, do bận rộn công việc nên tôi hay cho con trẻ ăn thức ăn nhanh cho tiện, giờ riết nó cũng quen và hiếm khi ăn tối cùng ba mẹ. Nói thiệt, có nhiều hôm đến nhà bạn bè chơi, thấy vợ chồng con cái người ta có bữa cơm chung, hạnh phúc vô cùng mà mình phát thèm. Sau những lần đó, tôi cố gắng thu xếp công việc, nấu những bữa ăn ngon cho gia đình cùng ăn, nhưng con cái ngồi ăn chung mà sao cứ như bị ép buộc vậy. Hiện tôi cũng đang tăng dần những bữa cơm gia đình lên, hy vọng rằng các con sẽ quen và thèm cơm… mẹ nấu”. 
Còn chị Lệ Hằng, nhà ở quận Bình Thạnh, cho biết, trước nay gia đình của chị luôn duy trì bữa cơm gia đình thường xuyên vào buổi tối và nhất là vào những ngày cuối tuần nên giờ đây ai nấy đều thích ăn cơm nhà. Chị chia sẻ: “Sau một ngày tất bật làm việc, đến chiều lại phải lo bữa cơm cho cả gia đình, tuy có hơi cực, nhưng bù lại thấy các thành viên trong nhà đều quây quần bên nhau nên cũng rất vui. Mà nói thiệt, từ bữa cơm gia đình mà vợ chồng, con cái trong gia đình mình mới có nhiều thời gian trao đổi cùng nhau về nhiều điều trong cuộc sống… Với tôi, như vậy là hạnh phúc lắm rồi!”. 
Có thể nói, trong thời buổi hội nhập và phát triển, dù cho có bận rộn hay phải lo toan thì giá trị và tính hữu ích của bữa cơm gia đình luôn cần thiết trong mỗi gia đình Việt. Nó không chỉ là chất men gắn kết các thành viên trong gia đình, mà còn là động lực để họ tăng thêm sức lao động, sáng tạo và cùng làm cuộc sống gia đình, xã hội tốt đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục