Duy trì 100% hộ dân TPHCM được sử dụng nước sạch: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Nhằm tiếp tục thực hiện nghị quyết của HĐND TPHCM về duy trì 100% hộ dân TPHCM được sử dụng nước sạch, năm 2020, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) đã đẩy mạnh phát triển mạng lưới cấp nước, gắn mới đồng hồ nước và đưa nước sạch đến các hộ dân. Song, việc cung cấp nước sạch cho người dân hiện nay vẫn gặp không ít khó khăn.
Đầu tư tuyến ống, gắn đồng hồ đưa nước sạch đến người dân ở huyện Cần Giờ
Đầu tư tuyến ống, gắn đồng hồ đưa nước sạch đến người dân ở huyện Cần Giờ

Hơn 97% hộ dân được gắn đồng hồ nước

Đến thời điểm hiện nay, Sawaco đang cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn các quận huyện tại TPHCM (trừ huyện Bình Chánh), với tổng số hơn 2.205.469 hộ. Tính đến tháng 1-2020, 100% hộ dân ở các quận, huyện đã được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, vẫn còn 59.903 hộ sử dụng nước sạch bằng giải pháp tạm như: dùng bồn chứa nước, đồng hồ tổng và thiết bị lọc. Để nâng tổng số hộ dân sử dụng nước sạch qua đồng hồ và thay thế các hộ đang sử dụng giải pháp tạm, năm qua, Sawaco đã phối hợp với các quận, huyện xây dựng kế hoạch lắp đặt hơn 195km mạng lưới đường ống, cấp nước cho 15.790 hộ dân. Từ sự nỗ lực đó, đến nay, các đơn vị đã thi công, phát triển được 71,429km mạng lưới đường ống cấp 3, qua đó đã có thêm 8.015 hộ dân được gắn mới đồng hồ nước; nâng tổng số hộ dân sử dụng nước sạch qua đồng hồ nước lên hơn 2.153.581 hộ, tăng 10.953 hộ so với năm 2019 (đạt tỷ lệ 97,65 %).

Dù rất nỗ lực nhưng theo Sawaco, công tác phát triển mạng lưới cấp nước, gắn mới đồng hồ nước vẫn còn chậm hơn so với kế hoạch. Lý giải điều này, ông Trần Quang Minh, Tổng Giám đốc Sawaco, cho rằng do nhiều yếu tố khách quan tác động đến kế hoạch của Sawaco. Trong đó, nguyên nhân lớn nằm ở việc còn nhiều hộ dân chưa có chứng nhận quyền sử dụng đất nên công tác kiểm tra hồ sơ xin cấp mới đồng hồ nước gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số nơi khác vẫn sử dụng giải pháp tạm để cấp nước qua đồng hồ tổng do địa phương đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch, lập dự án chỉnh trang đô thị.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, bên cạnh duy trì tỷ lệ 100% hộ dân thành phố được cấp nước sạch, Sawaco cũng đẩy mạnh công tác giảm thất thoát nước bền vững và đạt hiệu quả kinh tế, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ thất thoát nước dưới 17,5%. Ngoài ra, công tác cải cách hành chính cũng được Sawaco quan tâm thực hiện. 

Theo đó, các đơn vị thuộc Sawaco đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành cũng như kinh doanh. Tại Sawaco và hầu hết các đơn vị đã xây dựng Trung tâm Chăm sóc khách hàng, đọc số đồng hồ nước bằng smart phone, sử dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu khách hàng với họa đồ GIS, văn phòng điện tử. Ngoài ra, Sawaco và các đơn vị thành viên luôn quan tâm, tập trung ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin cũng như đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, nhanh gọn, tạo thuận lợi và giảm tối đa phiền hà cho khách hàng. Qua đó, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý hành chính.

Đặc biệt, để góp phần hoàn thành các nghị quyết của HĐND TPHCM về chỉ tiêu 100% hộ dân được cung cấp nước sạch, các đơn vị đã đơn giản hóa mọi thủ tục hành chính liên quan đến việc gắn mới đồng hồ nước cho khách hàng, tạo sự nhanh chóng và thuận lợi nhất cho người dân.

Mặc dù 97% số hộ dân trên địa bàn TPHCM được Sawaco cấp nước, nhưng đến cuối năm 2020 vẫn còn 17% hộ dân không sử dụng nước sạch hoặc sử dụng rất ít, tập trung ở các khu vực vùng ven. Tỷ lệ đồng hồ nước có chỉ số bằng 0 chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân do người dân lo ngại tốn kém chi phí và thói quen sử dụng nước giếng khoan cho sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi. 

Cần sự phối hợp đồng bộ

“Việc người dân vẫn tiếp tục sử dụng nước giếng khoan khi đã có đồng hồ nước gây lãng phí rất lớn nguồn vốn Sawaco đã đầu tư. Mặc dù khách hàng không sử dụng nước, đơn vị cấp nước vẫn phải tốn chi phí thực hiện các hoạt động nghiệp vụ như những khách hàng khác. Cụ thể là nhân công để đọc số, in và phát hành hóa đơn, sửa chữa rò rỉ mạng lưới…”, ông Trần Quang Minh nhấn mạnh. Ngoài ra, việc không sử dụng nước máy tạo nên thói quen các hộ dân không quan tâm đến đồng hồ nước nên đồng hồ nước thường xuyên bị đứt chì, hư hỏng. Các trường hợp này, đơn vị cấp nước vẫn phải sửa chữa, thay miễn phí. 

Cùng với đó là những bất cập trong công tác hỗ trợ, bồi thường di dời các công trình cấp nước khi có dự án hạ tầng khác được thực hiện. Cụ thể, khi các công trình xây dựng nâng cấp, mở rộng đường, xây dựng hệ thống thoát nước thi công vướng tuyến ống cấp nước thì Sawaco phải thực hiện di dời đường ống, thế nhưng lại không được hỗ trợ, bồi thường chi phí di dời các tuyến ống cấp nước, ống nhánh và đồng hồ nước của các hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo ông Trần Quang Minh, để giảm số hộ hoàn toàn không sử dụng nước sạch, thời gian qua Sawaco đã phối hợp cùng địa phương tổ chức tuyên truyền về tác hại của nước giếng khoan, không đảm bảo chỉ tiêu chất lượng, vận động người dân sử dụng nước máy, thực hiện hỗ trợ tối đa công tác gắn mới, thay thế đồng hồ tại nhà dân. Bên cạnh đó, Sawaco cũng tăng cường các giải pháp hỗ trợ người dân tận nhà. Dù vậy, đến nay số lượng đồng hồ sử dụng nước ở mức 0-4m3 vẫn cao.

Trước thực tế này, trong năm 2021, Sawaco đặt kế hoạch tiếp tục nỗ lực để thay thế dần các giải pháp cấp nước tạm đến người dân. Cụ thể là phát triển mạng lưới cấp nước đến các địa phương. Trong đó, dự kiến phát triển 150,418km đường ống và thực hiện gắn mới 22.620 đồng hồ nước trên địa bàn thành phố. Như vậy, thời gian tới, chỉ các khu vực có mặt bằng thuộc các tuyến đường, hẻm chưa thể phát triển mạng lưới thay thế nguồn nước có vị trí phân tán, đường vào là bờ bao, bờ ruộng, cách xa mạng lưới cấp nước, khu dân cư thưa thớt, không tập trung vào các khu quy hoạch… mới phải dùng giải pháp tạm thời.

Tuy nhiên, để mạng lưới cấp nước phủ khắp, đạt chỉ tiêu nghị quyết HĐND TPHCM đề ra, Tổng Giám đốc Sawaco Trần Quang Minh cho rằng, ngoài nỗ lực của đơn vị cấp nước, công tác tuyên truyền đến người dân thì rất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở ngành. Trong đó, các sở ngành triển khai giải pháp giảm khai thác nước ngầm, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch. Triển khai các giải pháp giảm khai thác nước dưới mặt đất và trám lấp giếng khoan trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, các dự án cải tạo, nâng cấp mặt đường, mặt hẻm, chỉnh trang đô thị cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị cấp nước nhằm tránh ảnh hưởng đến tuyến ống trên mạng lưới cung cấp nước cho người dân.

Đảm bảo cấp nước an toàn dịp tết

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) vừa ban hành kế hoạch chăm lo Tết Tân Sửu 2021 đến các đơn vị, phòng ban, yêu cầu các đơn vị đảm bảo việc cấp nước sạch an toàn, liên tục đến người dân. 

Trong việc tổ chức chăm lo tết cho người lao động, Sawaco yêu cầu thực hiện theo phương châm an toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh và đảm bảo tết đến với mọi người, mọi nhà. Ngoài ra, các đơn vị còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo tết, quan tâm đời sống tinh thần, đảm bảo việc chi trả lương, thưởng tết sớm cho người lao động. Đặc biệt cần quan tâm đến công nhân hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo, người nghỉ hưu…

Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Sawaco cần xây dựng kế hoạch đảm bảo cấp nước an toàn trong dịp tết và mùa khô năm 2021. Một trong những nhiệm vụ cụ thể là có phương án đảm bảo an toàn, an ninh trong đơn vị; phối hợp cùng Phòng Cảnh sát PCCC, Công an TPHCM kiểm tra các trụ nước chữa cháy, đảm bảo nước phục vụ chữa cháy, nhất là tại các khu vui chơi giải trí, bệnh viện. Đối với các đơn vị thi công cần thu dọn, tái lập mặt đường và giải tỏa hàng rào che chắn nhằm đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông trong dịp tết.

                                                                                          HOÀNG LONG

Tin cùng chuyên mục