Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành chính thức từ 7 giờ ngày 6-11

Sáng 6-11, Bộ GTVT và TP Hà Nội sẽ tổ chức Lễ bàn giao, tiếp nhận dự án để đưa vào khai thác vận hành. Ngay sau lễ bàn giao, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành chính thức từ 7 giờ cùng ngày.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang vận hành thử trước khi bàn giao. Ảnh: VIẾT CHUNG
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang vận hành thử trước khi bàn giao. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chiều 4-11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã chủ trì buổi họp báo về kế hoạch chuyển giao khai thác giai đoạn đầu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Theo đó, sáng 6-11, Bộ GTVT và TP Hà Nội sẽ tổ chức Lễ bàn giao, tiếp nhận dự án để đưa vào khai thác vận hành. Ngay sau lễ bàn giao, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành chính thức từ 7 giờ cùng ngày.

Trong 6 tháng đầu, tuyến đường sắt này sẽ vận hành 6 đoàn tàu, với thời gian giãn cách khoảng 15 phút/chuyến, 6 tháng tiếp theo đó sẽ vận hành 9 đoàn, khoảng 10 phút/chuyến. Biểu đồ chạy tàu sẽ được điều chỉnh tùy trường hợp lượng khách tăng giảm để đạt hiệu quả.

Về thời gian hoạt động, trong 15 ngày chạy miễn phí, đường sắt Cát Linh - Hà Đông mở cửa từ 5 giờ 30 và đóng vào 20 giờ hàng ngày; khi khai thác thương mại, mở từ 5 giờ 30 và đóng vào 22 giờ 30.

Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội họp báo cung cấp thông tin về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: B.QUYÊN

Tại họp báo, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TP Hà Nội và cũng là của cả nước. Dự án đã hoàn thành sau 10 năm khởi công, chậm tiến độ tới 6 năm. Từ tổng mức đầu tư đưa ra năm 2008 là 8.769,9 tỷ đồng, đến năm 2017, dự án đã phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với ban đầu.

Trả lời về việc Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) không đồng ý thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng thầu EPC và ban quản lý dự án tiếp tục làm việc để giải quyết, thời gian kết thúc dự án là cuối 2022. Một số tranh chấp, bất đồng vẫn được các bên phối hợp giải quyết, chưa có nội dung tranh chấp nào cần phải đưa lên các cơ quan trọng tài quốc tế để phân định.

Về câu hỏi tại sao dự án dùng tiêu chuẩn đường sắt Trung Quốc nhưng lại đánh giá bằng tiêu chuẩn châu Âu, Thứ trưởng Đông cho rằng, hiện tiêu chuẩn của Việt Nam về đường sắt đô thị chưa có. Đơn vị Tư vấn ACT (Pháp) dùng phương thức châu Âu để đánh giá nhưng vẫn dùng tiêu chuẩn của dự án để xem xét đối chiếu.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết, đã có nhiều bài học được rút ra từ dự án đầu tiên này. Trước hết, dự án cần phải được chuẩn bị đầu tư tốt, tránh trường hợp mỗi lần điều chỉnh bổ sung lại phải trình các cấp thẩm quyền theo quy trình khiến thời gian kéo dài.

Bên cạnh đó, dự án GPMB phải tách thành dự án riêng để không ảnh hưởng các nội dung khác như khảo sát, thiết kế làm chậm tiến độ xây lắp.

Một bài học quan trọng nữa là, hiện hệ thống quy định pháp luật của Việt Nam với các dự án tổng thầu EPC chưa đồng bộ. Ví dụ, hợp đồng EPC gồm tổng thầu, nhà thầu thiết kế, thi công, lắp đặt đến chìa khóa trao tay, nhưng quy định của Việt Nam là chủ đầu tư phải duyệt cả thiết kế kỹ thuật, dự toán... do đó, cần nghiên cứu kỹ hơn điều khoản, trách nhiệm các bên trong hợp đồng EPC để luật hóa.

Giá vé được xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng hành khách công cộng và được phê duyệt, được cài đặt vào phần mềm máy bán vé. Cụ thể, giá vé lượt dựa theo số ga đi, với mức: 7.000-15.000 đồng/vé, vé ngày 30.000 đồng/vé. Vé tháng gồm 2 loại: 200.000 đồng/tháng/vé phổ thông (không định danh), vé ưu tiên 100.000 đồng/tháng/vé tập thể giảm... Việc áp dụng ưu đãi, giảm giá vé được thực hiện theo quy định chung.

Tin cùng chuyên mục