Đường phố thua... đường làng

Tại TPHCM, thời gian qua, hàng loạt tuyến đường được đầu tư nâng cấp, mở rộng, giúp hạ tầng giao thông trở nên hiện đại, thông thoáng hẳn so với trước đây. Tuy nhiên, hiện nhiều tuyến đường đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Dù ngân sách chi rất nhiều tiền để sửa chữa, nhưng do đường chưa có hệ thống thoát nước, nên việc dặm vá, duy tu chỉ là biện pháp tạm thời chứ không giải quyết tận gốc.
Sống chung với tai nạn
Ròng rã nhiều năm phải chịu cảnh nắng bụi, mưa ngập và thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, nhiều người dân cứ thắc mắc tại sao những con đường ấy vẫn không được sửa chữa, khắc phục triệt để. Đơn cử, hương lộ 80 (đoạn đi qua quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, dài khoảng 2km) chi chít hàng chục ổ gà, ổ voi.
Anh Trần Tiên, nhà gần ngã ba đường Nguyễn Thị Tú và hương lộ 80, bức xúc: “Năm nào cũng dặm vá, nhưng cứ được vài tháng thì chỗ dặm vá lại bong tróc lên biến thành những ổ gà, ổ voi. Tai nạn giao thông liên tục xảy ra tại những điểm này”.
Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối nhiều khu công nghiệp, đi qua địa bàn 3 quận - huyện, nhưng mặt đường lại quá nhỏ, mỗi bên chỉ có một làn xe. Với hàng ngàn lượt xe tải, xe container lưu thông mỗi ngày, mặt đường bị hư hỏng nặng. Nhiều người chạy xe máy phải lách qua phía xe tải, xe container đang chạy, rất nguy hiểm.
Đường Nguyễn Thị Định (quận 2) - đoạn từ Cảng Cát Lái đến vòng xoay Mỹ Thủy - mỗi ngày có khoảng 20.000 lượt xe tải, xe container đổ về cảng. Tuyến đường có 2 làn ô tô và 1 làn xe máy. Cả 2 làn ô tô đều xuống cấp trầm trọng. Mặt đường xuất hiện nhiều vệt bánh xe lún sâu khoảng 20cm, nhiều đoạn bị lồi lõm, nhấp nhô gợn sóng khiến phương tiện lưu thông rất khó khăn. Bị lún nặng nhất là đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến Cảng Cát Lái.
“Hầu hết tài xế đi qua đoạn đường này đều phải chạy thật chậm vì lo tai nạn giao thông. Điều sợ nhất của giới lái xế khi chạy trên đường này là chuyển làn. Vì khi chuyển làn, bánh xe phải lăn qua những gờ cao, rãnh sâu, khiến xe bị chao đảo và dễ bị lật. Những xe có gầm thấp khi chạy xuống rãnh rất dễ bị va gầm xe vào mặt đường”, tài xế xe container Nguyễn Thành Vinh cho biết.
Đường phố thua... đường làng ảnh 1 Nhựa đường Nguyễn Thị Định bị ùn lên. Ảnh: THÀNH TRÍ
Theo người dân sống tại đây, tuyến đường này đã được dặm vá nhiều lần, nhưng đơn vị thi công chỉ cào lớp nhựa cũ rồi phủ lên lớp nhựa mới, nên mặt đường không thể chịu nổi lưu lượng hàng ngàn xe tải trọng lớn thường xuyên ra vào cảng. 
Tương tự, đoạn quốc lộ (QL) 13 cũ thông ra 2 hướng QL1 và QL13, mặc dù đã cắm bảng giới hạn tải trọng ở 2 đầu đường nhưng xe container, xe tải có tải trọng quá quy định vẫn cố tình lưu thông (thay vì chạy vòng qua cầu Bình Phước), khiến đường hư hỏng nặng.
Tại đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), mặt đường hẹp và những ổ gà ngày càng rộng ra, khiến tuyến đường này thường bị ùn tắc giao thông. Anh Nguyễn Thanh Tùng (cư dân tại khu vực này) cho biết, tuy cứ vài tháng lại sửa đường, nhưng cũng chẳng bao lâu thì đường lại hư.
Được biết, trên địa bàn TP hiện có đến hàng trăm tuyến đường hư hỏng nghiêm trọng, mặt đường lồi lõm, chi chít ổ gà, ổ voi. 
Điệp khúc thiếu kinh phí
Hàng loạt tuyến đường liên tục bị hư, hàng năm ngân sách phải tiêu tốn cả trăm tỷ đồng để duy tu, dặm vá, tại sao không giải quyết cho căn cơ, triệt để? Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 - đơn vị quản lý hương lộ 80, nguyên nhân khiến tuyến đường này hư hỏng quanh năm là do không có hệ thống thoát nước. Trước kia, hai bên đường là ruộng nên nước thoát rất nhanh; từ sau khi đô thị hóa, nhà dân mọc san sát, lại còn lấn chiếm ra đường, dẫn đến tình trạng nhiều đoạn đường khi mưa nước thường xuyên ứ đọng. Không chỉ vậy, rất nhiều hộ dân thải nước sinh hoạt ra đường, càng làm đường bị hư nhanh. Về hướng khắc phục, khu đã lên kế hoạch sửa chữa những đoạn bị hư hỏng trong quý 3 năm nay. Về lâu dài, khu đã giao Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Bình Chánh triển khai dự án nâng cấp mở rộng toàn tuyến đường. 
Về việc khắc phục đường Nguyễn Thị Định, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM thông tin rằng đã giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến phà Cát Lái).
Theo Bộ GTVT, số tiền phí bảo trì đường bộ thu được mỗi năm dự kiến hơn 9.000 tỷ đồng, dùng để nâng cấp và bảo trì đường. Sở GTVT TPHCM cho biết, năm 2017 sẽ khởi công 22 dự án nâng cấp, sửa chữa đường và có 31 dự án chuẩn bị đầu tư, tổng kinh phí gần 95 tỷ đồng.
Đối với hư hỏng trên tuyến QL13 cũ, UBND phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) cho biết địa phương thường xuyên duy tu dặm vá mặt đường. Tuy nhiên, do hệ thống thoát nước trên tuyến này được xây dựng từ khá lâu nên không còn phát huy tác dụng tiêu thoát nước; cao độ mặt đường thấp và nhiều xe quá tải lưu thông, nên dù dặm vá nhưng chỉ sau thời gian ngắn thì đường lại tiếp tục hư hỏng. Hiện phường đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án nâng cấp đường và hệ thống thoát nước.
Theo Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 Phạm Ngọc Dũng, đường Lê Đức Thọ dài khoảng 700m hư hỏng nhiều năm nay, do chưa có cống thoát nước, cứ khoảng 2 - 3 tháng lại phải dặm vá, rất tốn kém. Năm 2015, Sở GTVT đã đồng ý dự án với quy mô mở rộng 20m và ngầm hóa toàn bộ hệ thống thông tin trên đường Lê Đức Thọ, mức đầu tư khoảng 60 tỷ đồng. Hiện mọi thủ tục đã hoàn tất, chờ TP cấp vốn sẽ triển khai thực hiện ngay. 
Nhiều ý kiến đề nghị ưu tiên đầu tư hệ thống thoát nước cho những tuyến đường đang ngập nặng, nếu không đủ kinh phí thì có thể xây dựng hệ thống thoát nước tạm, vẫn sẽ tiết kiệm và hiệu quả hơn so với việc dặm vá tạm bợ mặt đường. Theo nhiều chuyên gia giao thông, việc thu phí cầu đường và nhiều loại phí khác liên tục tăng, nhưng hạ tầng giao thông lại không đảm bảo cho phương tiện lưu thông an toàn. Vì vậy, cần phải công khai, minh bạch việc sử dụng nguồn kinh phí này.

Tin cùng chuyên mục