Đường nội trong cuộc cạnh tranh

Các công ty sản xuất đường trong nước đang chạy đua nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các dòng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thị trường nội địa, nhằm đẩy lùi đường ngoại nhập lậu.

Khó cạnh tranh với đường giá rẻ

Theo giới kinh doanh, sản phẩm đường hiện đang là mặt hàng nhập khẩu không cần hạn ngạch đối với các nước ASEAN, đồng thời mức thuế nhập khẩu chỉ còn 5% và dự kiến giảm về 0% từ đầu năm 2020 theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Chính vì thế trên thị trường, nhất là ở các chợ truyền thống và các điểm bán lẻ, đường sản xuất trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với các loại đường nhập khẩu. Ngoài đường nhập khẩu chính ngạch giá rẻ vào Việt Nam thì còn có các loại đường nhập lậu qua biên giới. Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam đang gia tăng theo cấp số nhân.

Giai đoạn 1999-2008, lượng đường nhập lậu khoảng 100.000 tấn/năm; đến giai đoạn 2009-2015, lượng đường nhập lậu đã tăng gấp 3 lần, khoảng 350.000 tấn/năm. Và năm 2015-2016, lượng đường nhập lậu ước tỉnh khoảng 800.000 tấn/năm. 

Đường nội trong cuộc cạnh tranh ảnh 1 Đường nội được bán trong các siêu thị ngày càng đa dạng về mẫu mã, phân khúc

Khảo sát tại các chợ như Thanh Đa, Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Hòa Hưng (quận 10), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)… cho thấy các loại đường giá rẻ không nhãn mác bán khá chạy so với các loại đường trong nước có nhãn mác, bao bì rõ ràng.

Thông thường, các sản phẩm đường không nhãn mác được quảng cáo có nguồn gốc từ Thái Lan và có giá bán rất rẻ, chỉ 14.000 - 16.000 đồng/kg, tùy loại. Trong khi đó, giá đường Biên Hòa bán tại chợ dao động 20.000 - 22.000 đồng/kg.

Ngoài các sản phẩm đường trắng, đường đỏ thông thường hay được các bà nội trợ mua về sử dụng thì còn có thêm nhiều chủng loại đường mới như: đường đen (loại đường thường làm nguyên liệu, gia vị tạo ngọt trong các công thức làm bánh và nấu ăn), đường ít ngọt, đường dành cho người ăn kiêng... có xuất xứ ngoại nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan cũng được nhiều người trong nước đặt mua. Giá các loại đường này cũng cạnh tranh, không nhiều chênh lệch so với đường nội.

Tăng chất để chinh phục người tiêu dùng

Tại các kênh phân phối hiện đại như Co.opmart, Co.opXtra… dễ dàng nhận thấy các sản phẩm đường trong nước đã ngày càng có nhiều cải tiến về chất lượng, mẫu mã. Như đánh giá của đại diện Saigon Co.op - nhà bán lẻ đang sở hữu 800 siêu thị trên toàn quốc, sản phẩm đường trong nước hiện đã có sự đa dạng hơn với nhiều chủng loại, từ đường kính trắng, đường kính vàng, đường tinh luyện cho tới các sản phẩm đường gluco, đường thốt nốt… Các sản phẩm đường cũng được nhà sản xuất phát triển ở nhiều phân khúc khác nhau để phù hợp nhu cầu người tiêu dùng Việt. 

Theo giới kinh doanh, trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của đường ngoại nhập, doanh nghiệp sản xuất đường nội đã từng bước chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất cũng như đa dạng chủng loại, bao bì sản phẩm nhằm thu hút sự quan tâm, ủng hộ của khách hàng trong nước.

Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh khi sắp tới các loại đường từ nước ngoài, nhất là từ các nước trong khu vực ASEAN “đổ bộ” vào Việt Nam với mức thuế ưu đãi, các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước vẫn cần tiếp tục phải đưa ra thêm nhiều sản phẩm mới, đa dạng các kênh tiêu thụ, truyền thông đến với người tiêu dùng. 

Trên thực tế, các doanh nghiệp đường nội như Thành Thành Công - Biên Hòa, công ty đường Lam Sơn, Sóc Trăng, La Ngà… đang ngày càng quan tâm nâng cao các dòng sản phẩm đường tinh luyện, đường cát trắng, cũng như phát triển một số dòng sản phẩm đường đen dành cho người ăn kiêng, đường nâu, đường hữu cơ...

Thậm chí, một số doanh nghiệp còn có thêm sản phẩm đường que cao cấp “đánh vào phân khúc dành cho quán cà phê” đòi hỏi sự bắt mắt, lịch sự và tiện lợi. Đồng thời nhiều doanh nghiệp ngành đường cũng đã chính thức ra mắt bộ logo và nhận diện thương hiệu mới, hiện đại, phù hợp với xu thế hiện nay để nâng cao giá trị thương hiệu, thu hút người tiêu dùng nhiều hơn.

Có thể nói, đường là gia vị không thể thiếu trong gian bếp mỗi nhà, đây cũng là nguyên liệu chính để chế biến nhiều món khác nhau nên mọi gia đình đều có nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, người tiêu dùng phải cân nhắc khi chọn mua đường và nên tìm các sản phẩm đã có uy tín, thương hiệu trên thị trường, bởi hiện có rất nhiều sản phẩm đường không rõ nguồn gốc, đường trôi nổi, sử dụng sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Trước tình trạng buôn lậu đường cát qua biên giới, nhất là tại một số tỉnh khu vực Tây Nam, có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với số lượng ngày càng nhiều, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) vừa có công văn gửi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mở đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh mặt hàng đường cát cuối năm 2019.

Thời gian thực hiện từ ngày 15-9 đến hết ngày 31-12-2019 tại các tỉnh miền Trung và miền Nam. Trong lần ra quân này, đoàn sẽ tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh, về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường của các tổ chức, cá nhân; kiểm tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật đối với hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh mặt hàng đường của các tổ chức, cá nhân.

Tin cùng chuyên mục