Đường đua mờ mịt

Ngày 19-5 tới đây, Iran sẽ bước vào cuộc bầu cử lựa chọn ra vị Tổng thống mới trong bối cảnh chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump đang gia tăng sức ép lên Iran. 
Các chuyên gia chính trị phân tích nhận định rằng đây là cuộc bầu cử “quan trọng nhất trong lịch sử Iran” do xuất hiện ngày càng nhiều tin đồn về việc lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei đang bị ốm nặng.

Trong số các ứng cử viên tham gia tranh cử, cuộc chạy đua thực sự sẽ chỉ diễn ra giữa các ứng cử viên gồm Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani; chính trị gia theo đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi; Thị trưởng Tehran Mohammad Bagher Qalibaf; Phó Tổng thống Eshaq Jahangiri; ông Mostafa Mirsalim theo đường lối bảo thủ và cựu Phó Tổng thống Mostafa Hashemi-taba. 

Đương kim Tổng thống Hasan Rouhani hiện được coi là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới vì ông nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Trong thời gian cầm quyền, ông Rouhani đã giúp Iran ký kết được rất nhiều thỏa thuận quan trọng với các quốc gia EU, trong đó có thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử với Iran vào năm 2015. Nhờ thỏa thuận này, Iran đã được các quốc gia phương Tây dỡ bỏ một phần các lệnh cấm vận chống Iran.
Vị Tổng thống được coi là ôn hòa Rouhani đang tìm kiếm các công nghệ từ phương Tây mà có thể tạo thêm các xung lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế Iran. Để đạt được mục đích này, trong các cuộc đàm phán với nước Mỹ thời cựu Tổng thống Barack Obama, ông Rouhani đã có sự nhượng bộ mới khi chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, theo giới phân tích, ông Rouhani sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn hơn cho nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của mình khi các ứng viên đối thủ luôn xoáy sâu vào vấn đề trì trệ của nền kinh tế Iran, tình trạng thất nghiệp vẫn ở mức 12%, lời hứa hẹn về nguồn đầu tư nước ngoài trị giá nhiều tỷ USD chưa thành hiện thực và việc ông Rouhani đã thất bại trong việc nới lỏng hạn chế hoặc phóng thích các tù nhân chính trị… 

Theo kết quả điều tra của hãng IranPoll, đa số những người được hỏi đều có quan điểm ủng hộ Tổng thống Rouhani, song họ cũng cho rằng nhiệm kỳ đầu tiên của ông đã không giúp cải thiện tình hình kinh tế đất nước và mức sống của người dân Iran. Trong khi gần 40% số người được hỏi đánh giá ông Rouhani đã thành công trong việc giải quyết các vấn đề của nền kinh tế, hơn 50% cho rằng ông không thành công. Trong khi đó, 72% số người được hỏi có ý kiến cho rằng thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran ký kết với Nhóm P5+1 đã không giúp cải thiện các điều kiện sống của người dân Iran.

Cả ông Ebrahim Raisi, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của ông Rouhani, lẫn ứng cử viên theo đường lối cứng rắn khác là Thị trưởng Tehran, Mohammad Bagher Qalibaf cùng phê phán: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tổng thống đã cam kết tạo ra thêm 4 triệu việc làm. Tuy nhiên, cho đến bây giờ thì đây vẫn là một lời hứa suông. Không những thế, trong vòng 4 năm qua, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo đã bị nới rộng, tạo nên một sự bất mãn ngày càng tăng trong xã hội”. Dù vậy, các ứng viên cạnh tranh thuộc đường lối cứng rắn này vẫn chưa đưa ra được các chính sách rõ rệt, khả thi để vực dậy nền kinh tế mà họ đang chê trách hết lời. Giới quan sát quốc tế nhận định, đây cũng là “đường đua mờ mịt” nhất trong các kỳ bầu cử ở Iran khi chưa có ứng viên nào thực sự vượt trội.

Tin cùng chuyên mục