Đường đến cường quốc biển

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam (từ ngày 1 đến 8-6) và Ngày Đại dương thế giới (ngày 8-6) không rộn ràng sôi nổi như mọi năm. Song, mỗi địa phương đều có những hoạt động riêng, hướng đến mục tiêu chung: Phát triển bền vững sinh kế. Đây cũng chính là chủ đề được Liên hiệp quốc và Việt Nam lựa chọn. 
 Tàu Margrethe Maersk có sức chở lên đến 20.000 TEU, dài 399.23m, rộng 59m, cập Cảng Quốc tế Cái Mép, tại Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tháng 10-20202. Ảnh: QUANG KHOA
Tàu Margrethe Maersk có sức chở lên đến 20.000 TEU, dài 399.23m, rộng 59m, cập Cảng Quốc tế Cái Mép, tại Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tháng 10-20202. Ảnh: QUANG KHOA
Việt Nam là quốc gia với 28 tỉnh thành có biển cùng số dân chiếm 49,5% dân số cả nước. Do vậy, việc phát triển sinh kế từ biển là điều tất yếu. Mục tiêu này một lần nữa được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là tới năm 2045, nước ta sẽ trở thành cường quốc biển. 
Thực tế, Việt Nam hội đủ những lợi thế quan trọng nhất để hiện thực hóa mục tiêu này: Đường bờ biển dài 3.260km với nhiều bãi biển đẹp; nhiều cảng biển lý tưởng trải dài từ Bắc vào Nam với tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển có thể đạt tới 50 triệu tấn/năm; vùng đặc quyền kinh tế lên tới 1 triệu km2, sở hữu kho tài nguyên sinh vật phong phú, đa dạng lên tới 160.000 loài.
Đó là chưa kể trữ lượng dầu khí rất lớn, vào khoảng 7 tỷ thùng (theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ). Đặc biệt, vùng biển và ven biển Việt Nam có vị trí chiến lược, nằm trong tuyến hàng hải và hàng không thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương; châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác trong khu vực. Vị trí này giúp Việt Nam có thể đảm đương vai trò thúc đẩy giao lưu kinh tế, hội nhập và hợp tác…
Thế nhưng, giống như các quốc gia khác trên toàn cầu, Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều thách thức to lớn trên con đường “mạnh lên từ biển, làm giàu từ biển”. Hãy chỉ nói đến một trong số đó là vấn nạn ô nhiễm đại dương.
Mặt trái của quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa chính là sự gia tăng nguồn thải từ lục địa, bao gồm lượng nước thải công nghiệp, hóa chất từ các sự cố môi trường và rác thải khó phân hủy…, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, đời sống, sinh kế của cộng đồng ven biển và ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, sinh vật biển.
Theo Bộ TN-MT, chỉ tính riêng rác thải nhựa, trung bình mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 - 0,73 triệu tấn, thuộc nhóm những quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất thế giới. Tình trạng ô nhiễm chất hữu cơ, dầu mỡ đã và đang diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh thành ven biển Việt Nam.
Hệ quả nhãn tiền là trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã mất 12% số rạn san hô. Hơn 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác, trong đó có đến 25% bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt. Nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng…
Kiểm soát, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường biển, vì thế, là một trong những tiền đề để Việt Nam thực hiện khát vọng trở thành cường quốc biển. Muốn vậy, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng, thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quan trắc, đánh giá phạm vi, mức độ tác động của các nguồn gây ô nhiễm biển, nhất là từ các lưu vực sông, các vùng canh tác nông nghiệp ven biển. Đây chính là công cụ hữu hiệu nhất để “bắt tận tay, day tận trán” những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm và buộc họ phải chịu trách nhiệm xứng đáng với hành vi của mình.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh khâu lập kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm vùng ven biển; đẩy mạnh hoạt động nâng cao nhận thức cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân về vấn đề biển, hải đảo, hướng tới sự phát triển đa ngành, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
Về phía người dân, mỗi chúng ta đều có thể giảm bớt gánh nặng cho đại dương bằng những việc làm rất nhỏ hàng ngày như sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên; giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa và đồ nhựa sử dụng một lần; tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ môi trường khi đi du lịch; giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học cho thế hệ trẻ... 

Tin cùng chuyên mục