Đường dài cho phim nghệ thuật

Phim nghệ thuật thế giới, đặc biệt phim giành giải tại Oscar hay các liên hoan phim (LHP) đình đám ra rạp Việt ngày càng nhiều.

Rạp chiếu phim Việt ra mắt liên tiếp 3 tác phẩm vừa tham dự LHP Cannes. Broker (Người môi giới), tác phẩm mang về giải Nam diễn viên xuất sắc nhất cho Song Kang Ho, trong tuần đầu ra mắt tại rạp Việt thu về hơn 2,5 tỷ đồng. Theo tiết lộ trước đó, bộ phim này được 171 quốc gia mua bản quyền phát hành.

Cùng thời điểm, Elvis - bộ phim về huyền thoại làng nhạc thế giới từng nhận tràng pháo tay dài 12 phút tại Cannes 2022 cũng ra mắt, nhưng có doanh thu khá khiêm tốn, chỉ hơn 284 triệu đồng.

Và trong ngày 15-7 tới đây, Quyết tâm chia tay (Decision To Leave) - bộ phim mang về giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho Park Chan Wook cũng sẽ trình làng khán giả trong nước.

Nhìn vào doanh số của các phim nghệ thuật phát hành tại thị trường Việt Nam, cả giới chuyên môn lẫn khán giả không quá bất ngờ. Nhận định không phải cứ phim hay sẽ thu hút khán giả là đúng. Thực tế không thể phủ nhận, các phim được lựa chọn đề cử, tranh các giải thưởng lớn đã được kiểm chứng về mặt chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, không phải bộ phim nào cũng chạm đến cảm xúc khán giả và truyền tải thông điệp đến người xem.

Nhiều năm gần đây, phim nghệ thuật thế giới ra rạp Việt ngày càng phổ biến.

Gần nhất West Side Story Nightmare Alley - 2 bộ phim đề cử Phim xuất sắc nhất tại Oscar 2022 ra rạp Việt nhưng cũng không đạt doanh số khả quan, chỉ thu về lần lượt hơn 459 triệu đồng và 560 triệu đồng (theo Box Office Vietnam).

Một phim khác là bom tấn Dune cũng chỉ đạt doanh thu hơn 3,4 tỷ đồng.

Trước đó, có thể kể đến hàng loạt phim: Nhiếp Ẩn Nương, Sicario, The Tree of Life, Cuộc đời của Pi… Hầu như năm nào cũng có phim được đề cử Oscar ra rạp Việt, trong đó, Ký sinh trùng (Parasite) có doanh thu ấn tượng nhất với hơn 70 tỷ đồng. Phim thậm chí còn được phát hành 2 lần với hai phiên bản: màu và đen trắng.

Khó xem, kén khách… là nhận định chung về dòng phim nghệ thuật, dù những năm gần đây tính đại chúng của các bộ phim tranh giải quốc tế đã cởi mở hơn rất nhiều. Một tín hiệu vui, các đơn vị phát hành trong nước cũng bớt dè dặt khi quyết định mua bản quyền chiếu cho khán giả.

Việc quyết tâm đưa phim về chiếu, dù biết trước kịch bản khó hút khách, nằm trong nỗ lực của các nhà phát hành với mong muốn khán giả yêu điện ảnh sẽ có cơ hội thưởng thức tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao trên màn ảnh rộng.

Về lâu dài, nó góp phần nâng cao nhu cầu, thị hiếu và thẩm mỹ thưởng thức của khán giả trong nước. Những trường hợp thành công dù ít ỏi nhưng cũng là động lực và tiền đề để hy vọng một ngày không xa, doanh thu đến từ mảng phim này sẽ khởi sắc hơn.

Tin cùng chuyên mục