Đừng vì tăng trưởng tức thì mà buông bỏ tương lai dân tộc

Ngày 9-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 18 giờ 30. 
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu ý kiến
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu ý kiến
Đây là phiên họp “đặc biệt” bởi lần đầu tiên, Quốc hội quyết định tăng thêm 1 giờ rưỡi để các ĐBQH thảo luận kỹ những vấn đề nóng của đất nước.
Bất an vì tham nhũng, rừng hết, biển chết
Ghi nhận những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, song ĐBQH chưa yên tâm về tính ổn định, bền vững của nền kinh tế, thể hiện rất rõ ở những tháng đầu năm 2017. Nợ công, nợ xấu đã báo động, giải ngân chậm, lãng phí trong đầu tư công, cân đối thu bất ổn, bội chi ngân sách... đòi hỏi Chính phủ phải quyết liệt hơn khi đề ra các nhóm giải pháp, chọn nội dung ưu tiên để thực hiện.
Đừng vì tăng trưởng tức thì mà buông bỏ tương lai dân tộc ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu 
Trong các phát biểu của ĐBQH, phát biểu tâm huyết của ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đề cập đến “6 điều bất an” của người dân Việt Nam gây được sự chú ý đặc biệt, bởi chỉ rõ những bức xúc hiện nay của nhân dân. Theo ĐB Đặng Thuần Phong, bất an đầu tiên là tại sao chỉ có một mình Chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính trong khi đất nước có cả hệ thống chính trị? Chức năng của Chính phủ là kiến tạo, nhưng còn hành động và liêm chính tại sao không mở rộng? Bất an thứ hai là tham nhũng và lãng phí quá lớn, chưa được chặn đứng, là vấn nạn đưa quốc gia đến bờ vực của sa sút lòng tin. Tiền của dân chắt chiu gom góp trong mồ hôi nước mắt nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn là dấu hiệu hết sức đáng báo động. Bất an thứ ba là xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách, tính ổn định bền vững của kinh tế vĩ mô chuyển biến chậm, các yếu tố tăng trưởng chưa tận dụng hết. Người dân hưởng lợi và tạo sinh kế từ kết quả tăng trưởng GDP chưa như mong muốn. Bất an thứ tư là tình trạng thương mại hóa các quan hệ xã hội. Đồng tiền chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền. Đáng lo hơn là đồng tiền làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách và đâm thủng cả pháp luật. “Minh chứng cho vấn đề này là hiện tượng chạy ở Việt Nam. Thực tế rất đau lòng. Trong lòng mẹ đã chạy chỗ sinh đẻ, chập chững đi đã chạy trường, học phổ thông các cấp và đại học cũng phải chạy trường, chạy lớp, chạy điểm; khi tuyển dụng thì chạy chỗ, chạy chức, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển; vi phạm pháp luật thì chạy được ra; truy tố thì chạy án, thậm chí chạy khỏi Tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết về dẫn độ tội phạm để an tâm”, ĐB Nguyễn Thuần Phong day dứt. 
Bất an thứ năm mà người dân hiện nay đang phải đeo đẳng là dân không thể an tâm khi rừng hết, biển dần chết, tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau chắc chỉ còn trong lịch sử… Chính sách trải thảm và sử dụng lao động giá rẻ, kêu gọi đầu tư, sự hời hợt thiếu trách nhiệm trong thẩm định, đánh giá từng bước biến Việt Nam thành điểm đến của công nghệ rác, công nghệ lạc hậu và hệ lụy môi trường không sao tả nổi khi sông đã chết, đất chết và từ từ biển chết. “Đừng vì tăng trưởng tức thì mà buông bỏ tương lai dân tộc. Tiền có thể nhiều đến đâu đi nữa cũng không mua lại được môi trường tươi đẹp đã mất mà chúng ta đang mất”, đại biểu khẩn thiết. 
Bất an thứ sáu theo ĐB Nguyễn Thuần Phong là về an toàn sống. Bữa cơm trong nhà cũng lo vì an toàn vệ sinh thực phẩm, bước ra đường thì sợ về an toàn giao thông, gặp chuyện bất bình không dám can thiệp vì bị vạ lây. 
Hơn 1 ngày thảo luận, các phát biểu của các ĐBQH đều chung những bất an mà ĐB Phong đã chỉ ra. Trong đó, bao gồm là nỗi lo về tính bền vững của cân đối ngân sách. ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, năm 2017, dự toán vay cho cân đối NSNN mà Chính phủ đặt ra là 316.300 tỷ đồng, trong đó, vay để bù đắp bội chi là 172.300 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc 144.000 tỷ đồng. Các con số trên cho thấy Chính phủ đang loay hoay trong bài toán chi thường xuyên, đi vay để trả nợ vay. Không chỉ ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ mà nhiều đại biểu đều cho rằng, bộ máy hành chính cồng kềnh hiện nay khiến cho gánh nặng chi thường xuyên ngày càng lớn, vì vậy cần phải mạnh mẽ hơn nữa trong công tác tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính, thu gọn bộ máy hành chính.
Không nên bán tài nguyên để đạt tăng trưởng
Nhìn nhận về tình hình phát triển kinh tế năm 2016, ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM) nhận xét, việc tăng trưởng GDP năm 2016 chỉ đạt 6,21% thấp hơn mục tiêu đề ra là 6,7% có nguyên nhân chính là phát triển theo chiều rộng, lệ thuộc khai thác tài nguyên đã bộc lộ nhiều bất cập. Năm 2017, việc lên kế hoạch khai thác thêm dầu thô đã chứng tỏ thêm mô hình tăng trưởng quá phụ thuộc tài nguyên. ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cũng chỉ ra, vừa qua số tăng thu chủ yếu là tăng thu từ đất (thu tiền sử dụng đất tăng 97,5% so dự toán) và khai thác tài nguyên như dầu thô, khoáng sản chứ không phải từ các nguồn lực kinh tế khác của xã hội, nên chưa bảo đảm bền vững, lâu dài. Đây là hướng tăng trưởng không bền vững. “Cần tập trung cho phát triển sản xuất, không nên quá chú trọng khai thác tài nguyên mà “nên coi đó là của để dành cho con cháu”- ĐB Nguyễn Tuấn Anh nói. 
Tuy ủng hộ Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%, nhưng ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị cần cân nhắc kỹ và “nhân dân sẽ phấn khởi nếu để nguồn lực có hạn này cho năm sau và thế hệ sau”. ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, phương thức đóng góp tài nguyên cho tăng trưởng GDP chỉ là giải pháp tình thế, thiếu bền vững và hệ lụy cho tương lai. ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) ủng hộ giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Tuy nhiên, phải quyết liệt thực hiện các giải pháp, trong đó phải có giải pháp để tinh gọn bộ máy. “Cần có chính sách để cho thôi việc nhanh với các cán bộ, công chức hư”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.
Đáng chú ý, ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) bày tỏ quan điểm Chính phủ phải kiên quyết không dùng ngân sách nhà nước để xử lý 12 dự án thua lỗ. Đồng thời, cần tổng kết đánh giá lại toàn bộ việc phát triển các tập đoàn nhà nước để chỉ rõ thực trạng hiện nay, bởi chúng ta kỳ vọng đó là xương sống của nền kinh tế nhưng thực tế thì nhiều tập đoàn sai phạm, làm ăn thiếu hiệu quả, gây mất niềm tin của xã hội.
Bao giờ hết cảnh “hết trồng rồi chặt, được mùa rớt giá”?
Một vấn đề mà rất nhiều đại biểu tập trung phát biểu, đó là sự bấp bênh của nông nghiệp, nông sản. Ví von đầy hình ảnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, sau thanh long, dưa hấu, tỏi, hành tím, rồi đến thịt heo, chuối... danh sách nông sản ế thừa sẽ còn kéo dài, nếu không có được giải pháp căn cơ từ phía cơ quan quản lý. “Bài ca được mùa mất giá, được giá mất mùa đã quá quen thuộc, được nông dân, ĐBQH hát đi hát lại qua nhiều nhiệm kỳ, dù bài ca đó không được ai cấp phép” - ông Nguyễn Sỹ Cương nói. đại biểu cho rằng, nghịch lý này có một mắt xích quan trọng là khâu lưu thông, vì vậy, cần xem xét nghiêm túc vấn đề đầu ra cho nông nghiệp.
Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, Nhà nước cần thể hiện trách nhiệm chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, quyết liệt hơn trong mối quan hệ với các nhà (nhà nông, khoa học, doanh nghiệp) để hỗ trợ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Phải có quy hoạch từng mặt hàng cụ thể, có giải pháp cụ thể để hướng dẫn nông dân làm ra sản phẩm sạch để tiêu thụ được trong ma trận thực phẩm sạch - bẩn hiện nay. ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) thậm chí bi quan “chuyện được mùa mất giá, biết rồi nói mãi nhưng được gì đâu”. “Giá cả phụ thuộc cung cầu nhưng vai trò quản lý nhà nước ở đâu? Tại sao để tình trạng này diễn ra hết năm này sang năm khác làm thiệt hại cho sản xuất, nông dân đã khó lại càng khó. Cần phải xem xét trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan”, ĐB Nguyễn Quốc Hận nói. 
Hầu hết các đại biểu chung quan điểm, nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế, cần được tập trung phát triển, nhưng không phải là theo lối cũ, mà phải là nông nghiệp công nghệ cao. Cần phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Tư duy cũ của chúng ta là trọng cung hơn cầu nên chưa quan tâm đến khâu phân phối, lưu thông, bảo quản chế biến khiến cho người nông dân “hết trồng rồi chặt, được mùa rớt giá”.
Các bộ trưởng nói gì?
- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: Việc tuyển dụng giáo viên hiện nay chưa phù hợp với nhu cầu môn học, đặc biệt là chuyên môn dẫn đến hiện tượng thừa thiếu còn rất nhiều. Còn nhiều giáo viên có tâm lý vào biên chế để ổn định. Trong khi đó, khu vực giáo viên và đội ngũ nhà giáo phải được đặc biệt đổi mới. Đây là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục, có từng bước đổi mới để thực hiện. Vì vậy, ngành giáo dục nghiên cứu đề xuất thí điểm để chuyển dần từ công chức, viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động. Trước hết sẽ thí điểm từ khu vực đại học và một số trường đủ điều kiện. Sau đó từng bước rút kinh nghiệm và nhân rộng. Chúng tôi kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên chưa đạt, không đạt yêu cầu mới. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm.  
- Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Nợ công vừa qua tăng nhanh là do giai đoạn 2011-2015 vừa qua tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch đề ra; giá dầu thô giảm sâu; điều chỉnh chính sách thu cắt giảm tăng nhanh hơn lộ trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… Trong đó chi vẫn duy trì và tập trung cho con người, an sinh xã hội nên làm cho cơ cấu ngân sách khó khăn. Thời gian tới, sẽ quyết liệt thay đổi cơ cấu thu; siết chi tiêu thường xuyên; quy định về chế độ xe công; khoán chi, sắp xếp bộ máy… Nếu các biện pháp này triển khai đồng bộ thì nhiệm vụ tái cơ cấu ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công sẽ hiệu quả, rõ nét hơn.
- Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng: Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 được cho là cao, khó nhưng Chính phủ thấy có cơ sở đạt được nếu triển khai đồng bộ các giải pháp và sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước đang có nhiều thuận lợi hơn. Trong nước, nông nghiệp có thể phục hồi và có thể tăng trưởng 3,05%; công nghiệp chế biến, chế tạo có thể tăng 13,5% so với năm 2016; xuất khẩu có thể tăng 10%... Cùng với đó nhiều dự án đầu tư từ ngân sách đang được đẩy nhanh tiến độ. Chính phủ xác định việc khai thác tài nguyên không phải là lời giải bền vững cho tăng trưởng. Việc gia tăng lượng khai thác dầu hiện tại chỉ là giải pháp tình thế mang tính ngắn hạn. Quan điểm nhất quán của Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi với ổn định, phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục