Đừng trông chờ vào bao cấp

Quỹ Hỗ trợ phát triển văn hóa nghệ thuật (VHNT) là một mô hình phổ biến trên thế giới, không chỉ hỗ trợ các nghệ sĩ và tổ chức văn hóa (tài trợ các dự án sáng tạo) mà còn hướng tới việc hỗ trợ công chúng (xây dựng các thiết chế văn hóa và phát triển các dự án giáo dục nghệ thuật…). Sự hiện diện của mô hình quỹ này là một phần quan trọng trong hệ thống chính sách văn hóa, nhằm đảm bảo việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính, hướng tới các mục tiêu phát triển văn hóa lâu dài.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tồn tại của Quỹ Hỗ trợ phát triển VHNT ở cấp quốc gia với nguồn tài chính được phân bổ từ ngân sách của nhà nước, việc hỗ trợ và phát triển VHNT ở nhiều quốc gia còn dựa rất nhiều vào các quỹ tư nhân. Như tại Hoa Kỳ, ngân sách của Quỹ Nghệ thuật quốc gia vào năm 2015 hơn 146 triệu USD được dùng để trao cho 2.300 khoản tài trợ. Trong khi đó, cùng năm này, 1.000 quỹ tư nhân đã đóng góp khoảng 2,5 tỷ USD cho 19.635 khoản tài trợ VHNT. 

Để có được con số này, tất nhiên phải xét trên yếu tố lịch sử của nhiều nước phương Tây, khi họ có truyền thống bảo trợ tư nhân cho VHNT từ rất lâu trước khi có nhận thức về trách nhiệm công của Nhà nước đối với sự phát triển của văn hóa ở cấp quốc gia. Song con số này cũng cho thấy vai trò của Quỹ Hỗ trợ phát triển VHNT quốc gia đang có sự chuyển dịch quan trọng. Quan niệm về trách nhiệm bao cấp của nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa đang ngày càng mất đi, thay vào đó là vai trò tạo điều kiện, tạo môi trường tốt nhất để đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho văn hóa. Các quỹ công lập chủ yếu đóng vai trò như những khoản “tài trợ mồi” để thu hút thêm nhiều hơn nữa các đóng góp từ khu vực tư nhân và tổ chức dân sự. Hàn Quốc cũng là một ví dụ điển hình về cách sử dụng nguồn tài trợ từ quỹ công lập để phát triển các khoản đầu tư dựa trên quan hệ đối tác công - tư giữa Bộ VH-TT-DL của Hàn Quốc với doanh nghiệp và tập đoàn lớn.  

Tại Việt Nam, chúng ta từng thử nghiệm mô hình quỹ văn hóa và chưa thực sự thành công. Bên cạnh đó, hàng năm, các hội văn học nghệ thuật vẫn được cấp một khoản tiền nhất định để định hướng phát triển hoạt động của mình. Hiện tại, bối cảnh xã hội và những thay đổi trong tư duy quản lý có thể là cơ hội tốt để chúng ta suy nghĩ nhiều hơn đến việc ra đời một quỹ hỗ trợ phát triển VHNT để khắc phục mô hình quỹ đã từng thử nghiệm và cách tài trợ chưa thực sự hiệu quả cho VHNT thông qua các hội nghề nghiệp.

Sự ra đời của Quỹ Hỗ trợ phát triển VHNT là một định hướng mang tính thực tiễn và cần thiết ở Việt Nam. Song, việc thành lập và vận hành quỹ đòi hỏi một hệ thống đồng bộ, hay nói theo cách khác là một môi trường mà trong đó nhà nước, các tổ chức VHNT, công chúng và doanh nghiệp đều có cơ hội tham gia vào các quyết định của việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn tài chính cho việc phát triển VHNT.

Thành lập quỹ hỗ trợ là xu hướng tất yếu, tuy nhiên việc thành lập như vậy sẽ phải đối diện với nhiều thách thức mà thách thức đầu tiên chính là nhận thức về vai trò bao cấp của nhà nước còn nặng nề. Khi nói về Quỹ Hỗ trợ phát triển VHNT, hầu hết mọi người đều nghĩ đến vai trò duy nhất là nguồn tiền từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, với những khó khăn hiện tại (cũng như xu hướng chung trên thế giới), việc cắt giảm ngân sách công dành cho văn hóa đang là một thực tế không thể chối bỏ. Vẫn biết là để dứt ra khỏi sự bảo bọc về quan niệm nguồn hỗ trợ từ ngân sách đã hằn trong suy nghĩ nhiều năm nay là không đơn giản, song nếu không chủ động thay đổi tư duy trong việc quản lý quỹ hỗ trợ VHNT thì khó có thể tạo được động lực bứt phá của lĩnh vực này. 

PGS-TS BÙI HOÀI SƠN
Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Tin cùng chuyên mục