Đừng trách tượng

Mỗi dịp tết, mọi người thường chia sẻ hình ảnh tượng linh vật với vẻ mặt “ngáo ngơ” được bố trí ở nơi công cộng tại một số tỉnh thành. Quả thật, có thương lắm thì nhìn qua những hình ảnh tượng con hổ - linh vật năm Nhâm Dần đang rần rần trên mạng xã hội mấy ngày qua, cũng không thể nhịn được cười. 

Vài năm trước đây, tượng con giáp năm rồng trở thành tâm điểm chế ảnh trên mạng xã hội suốt một thời gian dài, với những lời bình, kiểu: “trông chẳng khác gì con lăng quăng hay giun đất”. Mà không chỉ riêng tượng linh vật mỗi dịp tết đến xuân về, trước đây, câu chuyện “nắp cống nở hoa”, “cột điện nở hoa”… ở nhiều tỉnh thành, cũng trở thành câu chuyện gây tranh cãi.

Khi nhu cầu thường thức và thẩm mỹ của người dân ngày một thay đổi thì nghệ thuật công cộng vẫn còn bị bỏ ngỏ. Tại nhiều thành phố lớn như TPHCM hay Hà Nội, Đà Nẵng… không thiếu những hội nghề nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật. Nhưng để xây dựng một hội đồng riêng để thẩm định, thực hiện và chịu trách nhiệm thi công các công trình nghệ thuật công cộng như graffiti hay trang trí đường phố dịp lễ tết vẫn chưa có.

Nếu những tượng này để ở nhà riêng, có lẽ cũng chẳng có gì để bàn tán, vì nó phụ thuộc vào thẩm mỹ của gia chủ. Nhưng trưng bày ở những không gian công cộng, nhất là không gian văn hóa thì cần nhiều hơn một chữ đẹp, đó là phù hợp cảnh quan chung và đảm bảo tính thẩm mỹ đại chúng. 

Khác với nghệ thuật hàn lâm, nặng về học thuật và rất chọn lọc khán giả thường thức, nghệ thuật công cộng là những gì mà cư dân bản địa lẫn khách du lịch đều có thể cảm nhận được. Và xa hơn nữa, nghệ thuật công cộng chính là điểm nhấn để giới thiệu về một vùng đất, một thành phố, một tỉnh lỵ.... Tuy nhiên, sự đầu tư trong nước hiện vẫn chưa tương xứng với tầm quan trọng của nghệ thuật công cộng, thậm chí nhiều nơi nghệ thuật công cộng rơi vào lãng quên và chỉ mỗi dịp tết đến, xuân về mới bắt đầu chộn rộn chuyện linh vật, tiểu cảnh trang trí…

Những tháng cận kề tết, người ta mới bắt đầu kế hoạch, lên phương án thi công thiết kế tượng linh vật, những con đường hoa, quảng trường, tiểu cảnh… Ở những thành phố lớn, nguồn kinh phí cho chuyện này thoải mái, cùng đội ngũ thiết kế và thi công bài bản nên phần nhiều các tượng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ. Không ít ý kiến bình luận về những tượng hổ “ngáo ngơ” mấy ngày qua cho rằng, việc thiết kế và thi công tượng ở các tỉnh thành còn khó khăn, chủ yếu là cho kịp tết, đội ngũ thi công cũng chỉ là công nhân, nghệ nhân kiểu miệt vườn… Cũng vì thế mà mỗi lần bị cư dân mạng đem đi chế ảnh thì địa phương lại 5 lần 7 lượt mang đi chỉnh sửa, nhưng “ngáo ngơ” vẫn hoàn “ngáo ngơ”.

Những tác phẩm nghệ thuật công cộng dù cố định hay chỉ theo mùa tết đến xuân về đều phải cân nhắc, không thể chấp nhận chuyện tạm bợ, bởi đó là những tác phẩm lớn, mang tính đại chúng. Tượng linh vật đứng đó không chỉ đơn thuần trang trí hay ngụ ý nhắc đến con giáp trong năm, mà nó còn tương tác với không gian, cảnh quan và người dân, góp phần định hướng thẩm mỹ công chúng. 

Không ít người tỏ thái độ bức xúc về các tượng linh vật “ngáo ngơ”, tuy nhiên bức xúc này cũng không nên, bởi bản thân tượng linh vật không có lỗi. Nhưng nếu để nói “nhìn vui mà” thì cũng là một sự dễ dãi không đáng có. Muốn nâng cao thẩm mỹ của người dân, trước hết cần chú trọng những tác phẩm nghệ thuật công cộng, bởi đây là không gian lớn, tập trung nhiều tầng lớp cư dân, những tượng “ngáo ngơ” hay méo mó, lạ kỳ sẽ đem lại những điều phản cảm thay vì mỹ cảm trong công chúng.

Tin cùng chuyên mục