Dùng thuốc từ “nhau thai người”: Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh

Trước việc báo chí quốc tế vừa đưa tin, do Tổ chức Tiêu chuẩn Nigeria công bố rằng “dược phẩm của Trung Quốc trên thị trường Nigeria có chứa thành phần thịt người”, Bộ Y tế đã lên tiếng khẳng định Việt Nam không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành loại thuốc này.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cũng cho biết ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, từng có thời gian sử dụng nhau thai người để bào chế thuốc. 

Về loại thuốc này, theo Thầy thuốc Nhân dân Trần Văn Bản, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, rất có thể bản chất chỉ là thuốc chiết xuất từ nhau thai người, trong đông y còn gọi là “Tử hà sa”, giúp bổ khí huyết, tăng sức đề kháng cơ thể. ADN có ở mọi thành phần trong cơ thể, kể cả nhau thai. Do vậy, khi xét nghiệm trong thuốc có ADN thì chưa thể khẳng định đó là thuốc làm từ thịt người. Trước đây, tây y và đông y đều sử dụng nhau thai người làm nguyên liệu, thành phần của thuốc và bài thuốc. Trong tây y trước đây, nhau thai người được sử dụng để sản xuất ra Filatov (một dạng thuốc bổ) nhưng do nguồn cung không đáp ứng được nên sau này các nhà khoa học đã dùng phủ tạng động vật, cụ thể là dùng gan, để sản xuất Filatov.

Đưa ra thông tin tương tự, PGS-TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, cách đây khá lâu, nhau thai người từng được chúng ta bào chế làm thuốc bổ Filatov theo phương pháp của bác sĩ Vladimir P. Filatov (người Nga). Theo phương pháp này, khi một tổ chức sống của động vật bị cắt rời khỏi cơ thể (như nhau thai) và được bảo quản trong điều kiện không thuận lợi cho sự sống (đặt ở nhiệt độ thấp 2 - 4oC), tổ chức ấy sẽ tìm cách thích nghi với nghịch cảnh bằng cách tiết ra những chất kích thích gọi là biostimulin (kích sinh tố). Nếu đưa biostimulin vào cơ thể người bằng cách uống hay tiêm sẽ kích thích các phản ứng sinh học, thúc đẩy các quá trình chuyển hóa thuận lợi, làm tăng sự đề kháng, bồi dưỡng các chức năng sinh lý, chống lại sự xâm nhập của bệnh tật. Thời đó, nhiều bệnh viện phụ sản trong nước đã tận dụng nhau thai của phụ nữ mới sinh xong bào chế thành thuốc uống và thuốc tiêm Filatov. Khi đó, chế phẩm Filatov thường được phối hợp với các dược phẩm khác trong nhãn khoa, phụ khoa và lão khoa để tăng hoạt tính của các thuốc phối hợp nhằm tăng đề kháng với bệnh nhiễm khuẩn, làm mau lành các tổn thương, bảo vệ cơ thể đối với các độc chất. Tuy nhiên, hiện nay, các chế phẩm được bào chế từ tạng liệu như nhau thai người, gan súc vật đã được thế giới khuyến cáo không sử dụng vì không có bằng chứng khoa học cụ thể chứng minh tác dụng một cách rõ ràng, trong khi nguy cơ lây nhiễm bệnh lại rất lớn.

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam đã cấm sản xuất, lưu hành thuốc làm từ nhau thai người. Hơn nữa, từ năm 2015, cục đã ra công văn cấm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm, dược phẩm có thành phần nguồn gốc từ con người. Để bảo đảm an toàn cho người dân và môi trường, Bộ Y tế cũng có quy định nêu rõ, nhau thai người cần phải được xử lý thật chặt chẽ như là chất thải trong nhóm chất thải y tế lây nhiễm và cần đưa đi tiêu hủy. Bởi lẽ, nhau thai nằm trong một cơ thể sống, mà bất cứ cơ thể sống nào là người cũng có thể nhiễm các bệnh truyền nhiễm do siêu vi, vi khuẩn, ký sinh trùng. Nếu nhau thai không được kiểm tra, kiểm soát, chế biến trong điều kiện không vô trùng đều có nguy cơ chứa mầm bệnh. Việc dùng nhau thai người để làm thuốc vô cùng nguy hiểm vì có thể khiến người dùng bị lây nhiễm các bệnh như viêm gan, HIV và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng nhau thai hay các chế phẩm từ nhau thai được rao bán trên thị trường. Người tiêu dùng cần nhận thức rằng, dùng nhau thai làm thuốc như điều kiện hiện nay là không an toàn, tìm cách dùng sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe. Thực chất nhau thai người không có công dụng như lời đồn thổi và hiện nay đã có nhiều thuốc thay thế cho tác dụng hiệu quả và an toàn hơn nhiều.

Tin cùng chuyên mục