Dùng sức ép đúng đắn để kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp

Hôm nay 23-12, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ 3 sẽ diễn ra tại Hà Nội. 
TS Nguyễn Đình Cung
TS Nguyễn Đình Cung

Trước thềm hội nghị, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một lần nữa nhấn mạnh: “Nếu không kiên quyết làm, những điều đã nói 10 năm qua có thể sẽ vẫn phải tiếp tục nói đến trong 10 năm tới”.

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, liệu rằng những vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp khúc mắc và sẽ thẳng thắn bày tỏ với Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị này sẽ xoay quanh vấn đề “thể chế” ?

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Doanh nghiệp (DN) có thể đề xuất nhiều vấn đề cụ thể, nhưng tựu trung vẫn là vấn đề khung khổ pháp luật và thực thi pháp luật. Thực tế vẫn tồn tại tình trạng hay thay đổi, thiếu nhất quán, thiếu minh bạch và nhất là không dự đoán trước được trong thực thi pháp luật ở nước ta. Để thực hiện được một luật, Chính phủ vẫn phải ban hành vài nghị định và bộ, ngành có liên quan có khi ban hành hàng chục thông tư hướng dẫn thi hành.

Có trường hợp luật ban hành, có hiệu lực rồi nhưng văn bản hướng dẫn đến vài năm sau vẫn chưa có. Không hiếm trường hợp hướng dẫn thi hành làm thay đổi, thậm chí sai lệch nội dung của luật và cùng một nội dung trong luật có thể có các cách giải thích, hướng dẫn áp dụng và thực thi khác nhau. Đó là chưa kể trong thi hành công vụ, không ít công chức đã tùy tiện giải thích và áp dụng, thậm chí lợi dụng quyền hạn được giao để tư lợi. 

Tình trạng nói trên còn trở nên phức tạp và rắc rối hơn, khi người dân và DN không thể khởi kiện, yêu cầu tòa án hủy bỏ hay thay đổi thông tư, nghị định không phù hợp với luật có liên quan, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Pháp luật hiện hành chỉ quy định người dân có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính cá biệt, không có quyền khởi kiện cơ quan nhà nước khi ban hành văn bản pháp luật không phù hợp. 

Những đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đến nay là không thể phủ nhận, nhưng vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng. Việc sửa đổi Luật DN tới đây (dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào giữa năm 2020) liệu có giúp chuyển biến tình trạng này?

DN tư nhân chiếm phần lớn vốn, doanh thu, lao động và hơn 1/3 lợi nhuận của DN thuộc các thành phần kinh tế, nhưng theo thống kê hiện hành chỉ đóng góp khoảng 9% GDP, bằng 1/2 so với đóng góp của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và bằng 1/3 so với DN nhà nước. 

Nhìn chung, 4 “đời” Luật DN (các năm 1990, 1999, 2005, 2014) đã thổi một luồng gió mới vào môi trường kinh doanh Việt Nam; tạo lập, mở rộng và góp phần bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân theo nguyên tắc DN được kinh doanh tất cả những gì mà luật không cấm. Số ngành nghề hạn chế và cấm kinh doanh cũng ngày càng thu hẹp dần. Luật DN cũng luôn hướng đến bảo đảm an toàn trong kinh doanh, giảm rủi ro và giảm chi phí cho DN trong đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, quyền tự do kinh doanh vẫn còn bị hạn chế, bởi một số ngành vẫn áp dụng nguyên tắc “DN chỉ được làm những gì nhà nước cho phép”. Quyền tự do kinh doanh còn bị hạn chế bởi các quy hoạch bất hợp lý của các ngành, địa phương... Đó là những điểm căn bản mà việc sửa đổi Luật DN cần hướng đến, điều chỉnh.

Có phải những lý do nói trên góp phần khiến hộ kinh doanh không muốn “lên” DN; còn DN thì không muốn lớn, không dám lớn và không thể lớn?

Đúng vậy! Qua nhiều năm quan sát và nghiên cứu, tôi thấy rất ít DN tư nhân ở ta phát triển thành quy mô vừa; số DN phát triển lên quy mô lớn còn ít hơn nữa. DN không muốn lớn hay không dám lớn là do rủi ro thể chế hay rủi ro pháp lý rất lớn, rất đa dạng và khó lường. Chúng ta cũng chưa có cơ chế, định chế giải quyết hiệu quả các tranh chấp thương mại, cũng như tranh chấp giữa DN, nhà đầu tư với cơ quan nhà nước. 

Ngược lại, có DN muốn lớn nhưng không lớn được. Điều này xảy ra là do DN nói chung và DN tư nhân nói riêng không được tiếp cận các nguồn lực xã hội một cách công bằng trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng. Một DN hội đủ điều kiện nội tại có tiềm năng phát triển tốt vẫn có thể không hiện thực hóa được tiềm năng đó vì không thể tiếp cận và có đủ nguồn lực (đất đai, vốn liếng…) để phát triển. 

Trong khi đó, nói thật, tôi cho rằng tốc độ cải cách, không khí cải cách có vẻ chùng xuống so với đầu nhiệm kỳ, mặc dù còn rất nhiều dư địa để cải cách. Để DN thật sự được hưởng những lợi ích mà công cuộc cải cách đem lại thì cái gì cần bỏ phải bỏ, cái gì cần làm phải làm và làm trên cơ sở khoa học, có bằng chứng. Nếu không kiên quyết làm, những điều đã nói 10 năm qua có thể sẽ vẫn phải tiếp tục nói đến trong 10 năm tới.

Ông có thể giải thích rõ hơn điều ông vừa nhận định? 

Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc gỡ bỏ các quy định hành chính bất hợp lý; đơn giản hóa, hợp lý hóa các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường; tạo thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân xây dựng năng lực sản xuất kinh doanh mới cho nền kinh tế. Và, đừng để các bộ tự làm, vì nếu từng bộ làm thì khó lắm! Những thứ liên quan đến DN là lĩnh vực đầy rẫy xin - cho và quyền lợi; hãy dùng đến sức ép mạnh mẽ và đúng đắn từ Chính phủ, Quốc hội. 

Xin cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục