Đúng quy định, nhưng quy định bất hợp lý

Theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối thì hành vi của người thợ điện ở Cần Thơ (đem bán 100USD tại một tiệm vàng không được phép thu đổi ngoại tệ) là một hành vi vi phạm pháp luật, nên đã bị xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), xử phạt 90 triệu đồng theo khung quy định của Nghị định 96/2014/NĐ-CP. 

Luật XLVPHC quy định nhiều nguyên tắc xử lý. Trong sự việc này, có một nguyên tắc cần quan tâm, được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3: “Việc XLVPHC phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng”. Phạt tiền là một trong các hình thức XLVPHC, theo Điều 21 của luật này, mức phạt tiền từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Tùy theo lĩnh vực quản lý mà mức phạt tiền tối đa là bao nhiêu. 

Như vậy, kết hợp nguyên tắc quy định ở điểm c khoản 1 Điều 3 với Điều 23 của Luật XLVPHC để đề ra mức phạt tiền trong lĩnh vực tiền tệ, ngoại hối, thì rõ ràng mức phạt tiền tối thiểu là 50.000 đồng áp dụng cho các hành vi vi phạm hành chính sau khi cân nhắc đầy đủ về tính chất ít nghiêm trọng nhất, mức độ vi phạm thấp nhất, hậu quả vi phạm thấp nhất, đối tượng vi phạm ít nghiêm trọng nhất và có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhất.

Tương tự, mức phạt tiền tối đa là 1 tỷ đồng áp dụng cho các hành vi vi phạm hành chính sau khi cân nhắc đầy đủ tính chất nghiêm trọng nhất, mức độ vi phạm cao nhất, hậu quả vi phạm cao nhất, đối tượng vi phạm nghiêm trọng nhất, không có tình tiết giảm nhẹ nào và có nhiều tình tiết tăng nặng nhất. Vậy mà, điểm a khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ sẽ bị phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng, thì rõ ràng là quá bất hợp lý. Vì nếu theo quy định này, nếu chỉ cần bán 1 cent tiền Mỹ (tương đương 230 đồng Việt Nam) cho tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ sẽ bị phạt mức thấp nhất là 80 triệu đồng, bất chấp có đủ các tình tiết giảm nhẹ như quy định trong Luật XLVPHC.

Thông thường, các văn bản quy định về XLVPHC sẽ quy định nhiều mức tăng dần của hành vi vi phạm, mức phạt tiền tương ứng với tính chất mức độ của hành vi đó. Tuy nhiên, cách quy định của điểm a khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP (cũng như nhiều điều khoản khác trong nghị định này) sẽ khiến mọi người băn khoăn. Cần thấy rằng, người dân có vi phạm hành chính thì bị xử phạt là đúng, nhưng Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định mức phạt không hợp lý, không hợp tình, gây thiệt hại cho quyền lợi của người dân, do vậy, cần phải xem xét, sửa đổi quy định này.

Tin cùng chuyên mục