Đừng quá hoang mang

Mới đây, một trường hợp ở An Giang tử vong và một trường hợp ở Đà Nẵng bị sốc phản vệ nặng sau tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca (Anh) đã khiến không ít người tỏ ra hoang mang, lo lắng với các phản ứng bất lợi sau tiêm chủng.

Trước thông tin này, Bộ Y tế khẳng định: nguyên nhân tử vong sau tiêm vaccine Covid-19 của nữ nhân viên y tế ở An Giang là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vaccine Covid-19 và công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Việt Nam hiện vẫn diễn ra theo kế hoạch vì thực tế cho thấy, vaccine Covid-19 mang lại nhiều lợi ích hơn nguy cơ, trong công tác phòng chống dịch.

Vaccine Covid-19 của AstraZeneca đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19, đã được cấp phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và là một trong 3 vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua, chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15-2. Tính đến sáng 14-5, Việt Nam đã tiêm vaccine AstraZeneca cho hơn 959.182 người và trong quá trình triển khai tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca tại Việt Nam, hệ thống giám sát tiêm chủng đã ghi nhận khoảng 33% trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ chích, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn…, tỷ lệ này thấp hơn báo cáo của châu Âu và nhà sản xuất.

Là một chuyên gia công tác nhiều năm trong lĩnh vực bệnh nhiệt đới, TS-BS Lê Quốc Hùng, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng, vaccine cũng có thể gây ra các phản ứng nặng như sốc phản vệ, nguy hiểm cho tính mạng người được tiêm, thậm chí có trường hợp tử vong. Với mỗi loại vaccine thì tỷ lệ phản ứng nặng khác nhau, song tỷ lệ tai biến thường không cao. Đối với vaccine này, các phản ứng thông thường có thể xảy ra như: đau tại chỗ tiêm, sốt, đau cơ, đau người, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi… Nếu những phản ứng này xảy ra ở mức độ khá mạnh thì cần sử dụng một số loại thuốc để giảm các triệu chứng của phản ứng phụ. Tuy nhiên, những phản ứng này không gây nguy hại cho người được tiêm và sẽ mất đi sau 2-3 ngày.

Mặc dù vaccine là thành tựu của lịch sử y học, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, kiểm soát nhờ vaccine như bệnh đậu mùa, sởi, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván…, cũng giống như các loại vaccine này, vaccine Covid-19 cũng chỉ có hiệu quả từ 75%-95%, thậm chí có người đã tiêm rồi nhưng vẫn nhiễm do mỗi người có một kháng thể khác nhau sau khi chích. Nếu tiêm vaccine nhưng cơ thể không tạo ra đủ kháng thể thì vẫn bị nhiễm bệnh như thường. Điều này không có nghĩa là chất lượng vaccine không tốt, vấn đề nằm ở chỗ không có gì là tuyệt đối, ngay cả những người mắc Covid-19 rồi vẫn có thể bị mắc lại. Phải nhìn nhận một thực tế rằng, không phải chỉ có vaccine là phòng chống được dịch Covid-19. Bên cạnh tiêm vaccine, mỗi người dân cần thực hiện đúng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, bởi đây là biện pháp rẻ tiền, mọi người đều có thể thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất trong phòng chống dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục