Dựng lại nhà cho dân vùng sạt lở

Chiều 14-12, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, bên cạnh công tác tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương Nam Trà My, Phước Sơn khẩn trương khai thông các tuyến đường huyết mạch đến các xã bị sạt lở, sớm dựng lại nhà cửa, ổn định đời sống người dân.

Hiện nay, tuyến đường vào hai xã Phước Thành và Phước Lộc (huyện Phước Sơn) cơ bản đã thông nhưng có nguy cơ sạt lở trở lại sau mưa lớn. Vì vậy, địa phương nỗ lực gia cố tuyến đường đảm bảo thông suốt, đảm bảo phục vụ đời sống nhân dân. UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo khẩn trương thực hiện phương án khắc phục, thông tuyến đường từ xã Phước Công đi Phước Lộc và phải hoàn thành trước Tết Dương lịch 2021.

Hiện nay, các lực lượng chức năng đã bố trí 27 nhà tạm cho nhân dân ở xã Phước Thành, vận chuyển trên 52 tấn gạo và 1,8 tỷ đồng tiền mặt… cho người dân nơi đây. Tại xã Phước Lộc, bên cạnh tiếp tục tìm kiếm 4 người mất tích, các lực lượng chức năng cũng đã khẩn trương làm 13 nhà tạm cho 24 hộ dân tại thôn 1 và thôn 3. 

Trong đợt mưa bão vừa qua, trên địa bàn huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) bị thiệt hại nặng nề khi có đến 19 người chết, 33 người bị thương, đến nay vẫn còn 13 người mất tích, gần 100 căn nhà bị sập hoàn toàn… ước tính thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng. Chính quyền huyện Nam Trà My hiện đã tìm được nơi bố trí tái định cư cho người dân bị mất nhà cửa và dự kiến việc xây dựng sẽ hoàn thành trước Tết Tân Sửu 2021.

Trước mắt, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ, tỉnh Quảng Nam phân bố thêm các nguồn bổ sung để đảm bảo đủ kinh phí làm lại nhà cho người dân vùng sạt lở. Về lâu dài, tỉnh sẽ tập trung sắp xếp, bố trí lại dân cư gắn với điều kiện về sản xuất, sinh hoạt nhằm đảm bảo cho người dân sinh sống một cách lâu dài, ổn định.

Cùng ngày, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, dự kiến ngày 16-12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương có buổi làm việc và nghe báo cáo về công tác tìm kiếm 11 nạn nhân còn mất tích sau vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) từ phía quân đội, công an và các sở ban ngành liên quan. 

Dựng lại nhà cho dân vùng sạt lở ảnh 1 Tìm kiếm nạn nhân mất tích sau sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: VĂN THẮNG

Trước đó, tại cuộc họp với ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn để bàn phương án tiếp tục tìm kiếm nạn nhân còn mất tích, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau khi kết thúc giai đoạn 3, lực lượng tìm kiếm sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 4 để tìm 11 trong số 17 nạn nhân còn mất tích dọc lòng sông Rào Trăng, từ điểm các nạn nhân gặp nạn về ngã ba Tam Dần với chiều dài hơn 2,5km. Tuy nhiên, khu vực này vẫn có mưa, lưu tốc dòng chảy sông Rào Trăng lớn nên dự kiến giai đoạn 4 sẽ có nhiều khó khăn, nguy hiểm. 

Tại huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), gần 2 tháng qua, khu bán trú thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Húc (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) bị sạt lở đất vùi lấp đến nay vẫn chưa thể khắc phục, ảnh hưởng đến công tác dạy và học nơi đây. Trong đó, 3 phòng của khu bán trú bị sạt lở núi vùi lấp 2 - 3m; 5 phòng còn lại mất an toàn nên 69 học sinh của trường phải đi ở nhờ nhà người thân hoặc người dân do trường liên hệ. 

Tin cùng chuyên mục