Đừng hời hợt với sách

Nói về sách, thế hệ 9X chúng tôi hay được ví là “thế hệ truyện tranh”, điều này cũng không ngoa. Phần lớn đám trẻ 9X ngày ấy gắn liền với các bộ truyện tranh được bán ở cổng trường, rồi chuyền tay nhau đọc.

Có những cuốn truyện tranh mang đến bài học dân gian lý thú, tuy nhiên ở thời điểm còn trẻ con ấy, muốn đọc truyện tranh một cách bổ ích cần có sự lựa chọn và hướng dẫn từ người lớn. Truyện được bày bán ở cổng trường, đứa nào không thích mua liền thì rút số, quay số và phần thưởng là bánh, kẹo, đồ chơi…, nhưng nhiều nhất vẫn là truyện tranh, bởi đọc xong rồi có thể đổi lại và tiếp tục vòng quay số. 

Vì truyện tranh bán ở cổng trường nên thầy cô hay gia đình không thể kiểm soát hết để lựa chọn cho đám nhỏ. Có những cuốn truyện chẳng thấy tên nhà xuất bản, lật vài trang đã thấy nội dung phản cảm, hình ảnh cũng lệch lạc so với lứa tuổi học đường. Một điều thấy rõ, là phần lớn thế hệ 8X về trước ít sai lỗi chính tả cũng như ngữ pháp, hành văn chưa bao giờ là nỗi sợ với họ như với “thế hệ truyện tranh”. Tất nhiên, có nhiều yếu tố để rèn nên thành công đó và một trong những cách hiệu quả là đọc tiểu thuyết văn học có chiều sâu, mang đến vốn ngôn từ phong phú và cách hành văn trôi chảy cho người đọc.

Với thế hệ 9X, chuyện đọc sách sang một tầm mới với sách điện tử, sách nói. Tuy nhiên, có một thực tế những quyển sách càng dày, càng ngả màu thời gian lại được các bạn trẻ “săn tìm” bất kể nội dung viết gì. Bởi khoe hình lên mạng xã hội, tay cầm sách cũ, gương mặt chăm chú… thì càng nhiều lượt like (thích). Và sách cũng chỉ còn là phụ kiện, nội dung có sâu sắc hay không, rất hiếm bạn trẻ mảy may bận tâm vì ai cũng đang bận “cập nhật trạng thái”, “trả lời bình luận”… Chuyện lấy sách làm phụ kiện cũng lan tới một số văn phòng, góc làm việc, có người cứ thích để thật nhiều sách, có cuốn còn chưa mở lớp bọc ni lông bên ngoài. Và nhiều nhà sách mới mở, muốn thu hút khách phải chiều lòng “thượng đế” bằng việc thiết kế không gian trong nhà sách để khách... chụp hình.

Sẽ quá lời nếu lấy chuyện đọc sách để chê trách giới trẻ hiện đại, nhưng rõ ràng văn hóa đọc và thưởng thức của người trẻ ngày càng hời hợt. Ngày Sách và Văn hóa đọc quốc gia là dịp tốt để bạn trẻ nhìn nhận lại thói quen đọc sách của chính mình. 

Đừng hời hợt với sách và hãy chọn đọc có chiều sâu!

Tin cùng chuyên mục