Dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là chủ trương đúng đắn, kịp thời

Qua 5 năm triển khai kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, kinh tế, xã hội của tỉnh Ninh Thuận phát triển vượt bậc. Ninh Thuận cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng về phát triển các nguồn năng lượng mới, an toàn, thân thiện với môi trường theo yêu cầu của Nghị quyết số 31/2016/QH14. 
Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Ngày 6-4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22-11-2016 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các bộ, ngành tại phiên họp, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Khóa XII (Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 14/10/2016) và Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018.

Nghị quyết 115 tập trung vào 3 nhóm nội dung: thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội; ổn định sản xuất và đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023 và phát triển năng lượng tái tạo.

Qua 5 năm triển khai kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận phát triển vượt bậc. Từ một tỉnh có quy mô kinh tế và thu nhập bình quân đầu người thấp nhất nước vào năm 2016, tới nay, quy mô GRDP và tổng mức đầu tư của toàn tỉnh tăng mạnh. Nếu như năm 2015, thu ngân sách của tỉnh chỉ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng thì năm 2021 đã đạt trên 4.300 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần.

Giai đoạn 2016- 2020, tốc độ tăng GRDP của Ninh Thuận đạt mức tăng bình quân 10,2%/năm, thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng cao nhất nước, quy mô kinh tế tăng 2,16 lần. GRDP bình quân đạt 60,1 triệu đồng/người, tăng 2,17 lần so với năm 2015, là tỉnh đứng thứ 2 cả nước (sau Hải Phòng) về tốc độ tăng chỉ số thu nhập bình quân đầu người trong giai đoạn 2016- 2020...

Ninh Thuận cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng về phát triển các nguồn năng lượng mới, an toàn thân thiện với môi trường theo yêu cầu của Nghị quyết số 31/2016/QH14.

Đến hết năm 2021, Ninh Thuận có quy mô phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo lớn nhất nước với tổng công suất là 3.205MW, bao gồm 2.296MW điện mặt trời trang trại, 287MW điện mặt trời mái nhà và 622MW điện gió.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, những kết quả nêu trên đã khẳng định chủ trương, chính sách rất đúng đắn, sáng suốt, có tính lịch sử và nổi bật của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; đồng thời cho thấy Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 115-NQ/CP của Chính phủ đã được triển khai kịp thời.

Tin cùng chuyên mục