Đừng đợi khó khăn mới tiết kiệm

Những ngày này, câu chuyện tiết kiệm hay học cách quản lý tài chính đang thu hút nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Ở độ tuổi 25, Trương Nguyễn Thùy Lâm (nhân viên marketing, ngụ quận 5, TPHCM) có thể kiếm được 20 triệu đồng/tháng hoặc có thể gấp đôi tùy vào hợp đồng và các mùa cao điểm. Mức lương hấp dẫn và đủ chi tiêu ở thành phố. Nói về những lời khuyên tiết kiệm của ba mẹ, Thùy Lâm chỉ ậm ừ.
Một buổi học về đầu tư tài chính cá nhân trên đường Lê Quang Kim (quận 8, TPHCM)
Một buổi học về đầu tư tài chính cá nhân trên đường Lê Quang Kim (quận 8, TPHCM)

Tuy nhiên, hơn 2 tháng ảnh hưởng của dịch bệnh, mức lương giảm một nửa, thậm chí là hơn, khiến Thùy Lâm không kịp trở tay vì đã quen tiêu xài thoải mái. Cô bắt đầu tiết kiệm và tham khảo một số cách đầu tư để kiếm thu nhập ngoài công việc chính.

Lâm kể: “Trước đây, có dư hơn thì không nghĩ đến chuyện để dành, bây giờ thu nhập giảm đáng kể... Tôi cũng đang tìm hiểu vài cách kiếm tiền ngoài nguồn thu chính, nhưng chắc phải chờ tình hình dịch bệnh qua đi, công việc có thể ổn định như trước, thu nhập có dư thì mới có thể dành những khoản nhỏ tiết kiệm mà đầu tư thêm”.

Câu chuyện của Thùy Lâm có lẽ là tình hình chung của không ít bạn trẻ hiện nay. Một số người vẫn ỷ y rằng mình còn trẻ, công việc ngày càng tiến triển và bản thân có thể kiếm tiền lâu dài, thậm chí nếu chịu khó cày ngày, cày đêm thì tiền lương mỗi tháng sẽ không tệ. 

Thời trang hàng hiệu, mỹ phẩm cao cấp, nhà hàng sang chảnh và những chuyến du lịch đó đây… “Nghèo sang chảnh” là cụm từ được nhiều bạn trẻ thích thú chia sẻ, thậm chí không ít người chấp nhận đổi cả tháng lương cho một đôi giày hàng hiệu đình đám hay một chuyến vi vu trời Tây, check-in du thuyền sang trọng… Tiết kiệm hay cao hơn là câu chuyện quản lý đầu tư tài chính cá nhân dường như không phải là đề tài hấp dẫn với một số bạn trẻ. Và khi dịch bệnh xuất hiện, tình hình được dự đoán có thể kéo dài và phức tạp đã kéo theo nhiều ảnh hưởng.

Một số ngành nghề bắt đầu lao đao thấy rõ, không ít bạn trẻ rơi vào cảnh “giật gấu vá vai” và bắt đầu nghĩ đến chuyện tiết kiệm hoặc tìm thêm việc phụ. Nhưng tình hình hiện tại, mức lương đã không còn dư dả, chuyện tìm việc làm thêm càng khó khăn khi nhiều nơi trong tình trạng tạm hoãn.

Anh Trần Vĩnh An, quản lý một tiệm karaoke lớn ở quận 1, TPHCM chia sẻ: “Bản thân tôi cũng không mấy quan tâm đến thu nhập hay việc làm, bởi là quản lý chính có kinh nghiệm. Nhưng nay, tiệm karaoke tạm đóng vì dịch Covid-19, tôi đâm ra lo. Không biết là sau khi tình hình ổn định thì người dân còn mặn mà đến các điểm hát hò nữa hay không. Nỗi lo mất việc, hết tiền là có thật”.

Chuyện quản lý và đầu tư tài chính cá nhân không dễ để một sớm một chiều, nhưng việc tiết kiệm thì rất đơn giản và cần thiết. Bạn trẻ dù làm việc tự do hay cố định, hãy tập cho mình một thói quen tiêu xài chừng mực và chuẩn bị một khoản tiết kiệm dự phòng, để khi đối mặt với chuyện giảm thu nhập, hoặc xấu hơn là phải nghỉ việc hay bệnh tật, sẽ không rơi vào trạng thái túng quẫn.

Tin cùng chuyên mục