Đừng để xảy ra tình cảnh làm ơn mắc oán

Có một thực tế rất đáng buồn và đáng trách là hiện nay nhiều người đi đường không sẵn lòng ra tay hỗ trợ đưa nạn nhân tai nạn giao thông đi cấp cứu. Sự thờ ơ cũng có nguyên nhân từ những câu chuyện làm ơn mắc oán. 
Nhiều người đi đường không sẵn lòng ra tay hỗ trợ đưa nạn nhân tai nạn giao thông đi cấp cứu vì sợ làm ơn mắc oán. Ảnh minh họa
Nhiều người đi đường không sẵn lòng ra tay hỗ trợ đưa nạn nhân tai nạn giao thông đi cấp cứu vì sợ làm ơn mắc oán. Ảnh minh họa

Giúp đỡ người bị tai nạn giao thông lắm khi lại gặp rắc rối, như bị bệnh viện buộc phải làm thủ tục nhập viện và phải đóng viện phí cho nạn nhân; bị chính nạn nhân say xỉn chửi bới, đổ lỗi oan ức; bị người thân nạn nhân hiểu lầm gây phiền phức hoặc hành hung; phải giải trình với công an... Dù nguyên nhân nào cũng khiến xã hội xấu đi về văn hóa và đạo đức, niềm tin giữa con người với nhau giảm sút khiến người làm việc tốt lại lo sợ gặp rủi ro.

Em tôi thường giúp đỡ nạn nhân bị tai nạn giao thông, từng gặp rủi ro nên giờ cũng lo ngại. Có lần thấy tai nạn giao thông trên đường, em phụ giúp người gây ra tai nạn đưa nạn nhân đi cấp cứu, tới bệnh viện thì người gây tai nạn đã trốn đi, chỉ còn lại em phải làm thủ tục nhập viện và ký cam kết để kịp phẫu thuật cho nạn nhân. Người nhà nạn nhân đến tưởng em là người gây tai nạn nên hành hung.

Em giải thích “là người giúp đưa nạn nhân đến bệnh viện, gây tai nạn là người khác đã bỏ trốn”. Thế nhưng không ai tin, cũng may lúc đó có bảo vệ kịp thời can thiệp. Công an tới lấy lời khai, em cũng giải thích “là người giúp đưa nạn nhân đến bệnh viện” nhưng lại nhận được câu hỏi như quy chụp “không gây tai nạn sao lại đưa nạn nhân đến bệnh viện?”. Từ những chuyện như vậy khiến nhiều người cân nhắc dù làm điều tốt, giúp đỡ nạn nhân tai nạn giao thông lại phải lo sợ rủi ro.

Mất niềm tin vào lẽ phải khiến người ta e dè, không sẵn lòng giúp người gặp nạn. Nếu xã hội thiếu niềm tin, sự lạnh lùng và vô cảm sẽ lên cao, người ta có thể bỏ mặc khi nhìn thấy ai đó bị tai nạn giao thông nằm trên đường, không hành động theo pháp luật và lẽ phải về trách nhiệm giúp người gặp nạn, phá vỡ các mối quan hệ truyền thống dân tộc vốn tốt đẹp.

Cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa và xã hội cũng không thể nhân văn khi thiếu vắng niềm tin, sự quan tâm giữa người với người. Niềm tin không thể mua mà có, ra lệnh mà được, ép buộc mà nên. Niềm tin chỉ có qua thời gian thử thách, đầu tư đúng mức để tạo ra môi trường chuẩn mực sẵn sàng tin vào pháp luật và lẽ phải.       

Giúp người gặp nạn là một trong những tiêu chí cao nhất khi đề cập đến chất lượng sống, tính nhân văn ở bất kỳ xã hội nào. Phải làm sao để ai cũng tin rằng làm điều tốt được ủng hộ, được pháp luật và cộng đồng bảo vệ, không bị rủi ro hoặc gây khó. Mong sao sự lạnh lùng và vô cảm trong những vụ việc đã qua chỉ là hiện tượng. Điều này có thể khắc phục khi mỗi người bớt đi những hoài nghi tiêu cực, ưu tiên giúp người gặp nạn. Cơ quan chức năng cần đem lại niềm tin vào pháp luật, lẽ phải để tạo an tâm cho người giúp đỡ nạn nhân không lo bị hoài nghi hay gặp rủi ro làm ơn mắc oán. Ngân sách cũng nên dành khoản chi phúc lợi xã hội để trả lại cho bệnh viện khi có những trường hợp cấp cứu người bị nạn mà không truy thu được viện phí. 

Trong một xã hội đề cao đạo đức, xây dựng niềm tin giữa người với người, thì người ta sẽ nhiệt thành giúp đỡ nhau trong hoạn nạn.

Tin cùng chuyên mục