Đừng để smartphone chi phối

Ngày nay, giới trẻ bị chi phối bởi smartphone, sử dụng điện thoại mọi lúc, mọi nơi, bất chấp… Đáng sợ nhất là thái độ vô tư khi vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, không chỉ gây hại cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến người xung quanh.  

Trước đây, mức phạt đối với những trường hợp người điều khiển xe sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh thấp, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 30-12-2019 thay thế Nghị định 46 đã tăng mạnh mức phạt, với nhiều hành vi vi phạm an toàn giao thông. Cụ thể với ô tô, dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 600.000 - 800.000 đồng); với xe máy, người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh trừ thiết bị trợ thính bị phạt tiền từ 600.000 - 1.000.000 đồng, tăng gấp 5 lần so với trước đây (chỉ phạt từ 100.000 - 200.000 đồng). Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Mặc dù mức phạt khá cao nhưng thực tế qua ghi nhận, vẫn có nhiều trường hợp vi phạm luật khi sử dụng điện thoại, thiếu chú ý quan sát dẫn đến tai nạn giao thông. Đặc biệt, với lỗi thiếu chú ý quan sát, sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông thường thấy ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Sự vô tư, thiếu ý thức khi tham gia giao thông vô tình đẩy bản thân vào lối sống thiếu trách nhiệm với gia đình, xã hội… 

Đáng nói hơn, nhiều bạn trẻ coi việc vừa di chuyển bằng xe, vừa gọi hay nghe điện thoại mới là phong cách thời thượng, thể hiện bản lĩnh hay hợp thời. Trong đó, có không ít bạn trẻ tuổi dưới 18 nhưng vẫn được gia đình cho phép sử dụng điện thoại thông minh nhiều chức năng, sử dụng mọi lúc, mọi nơi bất chấp những khuyến cáo. Khi xảy ra sự cố, người vi phạm và gia đình sẽ bị tổn thất kinh tế hay bản thân sẽ bị pháp luật chế tài, rồi tương lai tuổi trẻ dở dang, tạm gác lại những ước mơ, hoài bão chỉ vì một phút lầm lỡ, thiếu ý thức.

Cho nên, dù mức phạt cao hay tăng cường lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm cũng không bằng ý thức cá nhân của mỗi người trẻ khi tham gia giao thông. Điều này, nhằm góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Từ chính ý thức của bản thân, người trẻ phải chủ động thay đổi để không xảy ra những sự cố đáng tiếc. Với những bạn trẻ dưới 18 tuổi, ngoài ý thức của bản thân, thì vai trò của giáo dục, định hướng từ gia đình cũng cần được quan tâm, tránh việc quá chiều chuộng con, dẫn đến những sự cố đáng tiếc sau này.

Tin cùng chuyên mục