Đừng để mình thành nô lệ công nghệ

Thế giới đang trong kỷ nguyên của hàng loạt phát minh điện thoại di động thông minh (ĐTDĐ). Tuy nhiên, cũng vì quá lạm dụng trong cuộc sống, nhiều người cứ chăm chăm dán mắt vào màn hình ĐTDĐ mọi lúc, mọi nơi, trở nên xa lạ với đời thực. Nhiều bạn đọc Báo SGGP đã lưu ý về hiện trạng này.
Hình ảnh các nhóm bạn trẻ cùng ngồi bên nhau nhưng không ai nói chuyện với ai, chỉ “ôm” ĐTDĐ đã trở nên quen thuộc. Ảnh: ĐOÀN HIỆP
Hình ảnh các nhóm bạn trẻ cùng ngồi bên nhau nhưng không ai nói chuyện với ai, chỉ “ôm” ĐTDĐ đã trở nên quen thuộc. Ảnh: ĐOÀN HIỆP
Đắm chìm trong thế giới ảo
Thời nay, ở nơi công cộng, thậm chí ở ngay trong phòng họp, vẫn thường thấy hình ảnh nhiều người mê mải, chăm chú xem, đọc trên ĐTDĐ. Ngày trước, vào giờ giải lao, các bạn sinh viên ôn bài hoặc cùng trò chuyện rôm rả, bây giờ thì mỗi người cầm một chiếc ĐTDĐ trên tay để vào mạng xã hội, chơi game, chat, xem phim, nghe nhạc… Thậm chí có những nhóm bạn cùng ngồi bên nhau nhưng không ai nói với ai, mọi người dán mắt vào màn hình ĐTDĐ, khi cần trao đổi cũng chỉ lặng lẽ nhắn tin qua Zalo, Viber, Messenger…
Trong bữa cơm của nhiều gia đình, ngày trước cả nhà quay quần chuyện trò, nay thường có cảnh nhiều người vừa ăn vừa nhìn vào màn hình ĐTDĐ. Chẳng ai nói với ai câu nào, cứ như người xa lạ ngồi chung một bàn trong quán ăn.
Có những người của công chúng đã ứng xử thiếu tế nhị khi không thể buông chiếc ĐTDĐ lúc đang dự sự kiện, cứ khư khư cầm ĐTDĐ trên tay vẫy chào công chúng. Ngay cả trong nhiều chương trình truyền hình trực tiếp, cũng thấy có vài vị giám khảo cứ cúi xuống bàn nhìn vào ĐTDĐ của mình, không mấy chú tâm đến màn trình diễn của thí sinh. Điều này tối kỵ ở giới nghệ sĩ phương Tây. Hãy nhìn các sự kiện mà những ngôi sao quốc tế bước lên thảm đỏ Oscar, Cannes, Venice, Grammy, sẽ thấy dù họ đẳng cấp gấp nhiều lần nhưng chẳng ai cầm lấy một chiếc ĐTDĐ nào.
Biết rằng sử dụng ĐTDĐ là chuyện riêng tư của mỗi cá nhân, nhưng hãy bớt nô lệ công nghệ, vì sẽ không phải là cách ứng xử có văn hóa khi lạm dụng ĐTDĐ lúc đang giao tiếp, đang làm việc khẩn trương, hay đang trong giờ học, giờ họp.
TRUNG CÔNG (quận Bình Tân, TPHCM)
Trẻ em rất dễ bị nghiện ĐTDĐ
Trẻ em sớm được cha mẹ cho sử dụng ĐTDĐ sẽ lười vận động, ngại giao tiếp, có biểu hiện trầm cảm. Ngoài giờ ở lớp, suốt ngày trẻ cứ ôm chiếc điện thoại để chơi game online, thành ra thời gian giải trí với bạn bè, ôn bài, sum họp với gia đình bị thu hẹp lại. Đến khi cha mẹ lo lắng nhận ra thì đã muộn, vì rất khó uốn nắn trẻ trở lại như trước. 
Thời nay, việc sử dụng công nghệ thông tin, ĐTDĐ là điều tất yếu. Tuy nhiên, ba mẹ cần cân nhắc khi cho trẻ sớm sử dụng smartphone. Bởi trên mạng, ngoài những thông tin bổ ích là vô vàn cạm bẫy dành cho tuổi thiếu niên. Nhất là game online, rất dễ khiến trẻ đam mê đến mức nghiện, xao lãng việc học hành. Đó là chưa nói việc trẻ cậy vào Google Search để làm bài tập làm văn và các môn tự nhiên, khiến trẻ lười tư duy, không thiết đến chuyện trao dồi kiến thức. 
Với tuổi thiếu niên, sắm cho trẻ một chiếc máy tính để bàn là hợp lý. Đặt máy cố định ở không gian sinh hoạt chung, cha mẹ có thể giám sát mọi hoạt động khi con online, yêu cầu con rời khỏi máy khi ngồi quá giờ. Cha mẹ có thể cài đặt chế độ quản lý ngăn chặn con truy cập  những trang web không lành mạnh. Máy tính để bàn là công cụ học vi tính tuyệt vời nhất. Đối với những trường hợp trẻ nghiện ĐTDĐ, cha mẹ cần kiên trì kéo con trở lại nếp sinh hoạt cũ. Không nên la mắng con, mà khắc phục hậu quả bằng việc luôn bên cạnh con, tạo những buổi sinh hoạt, giải trí cuối tuần cho con có bạn ngoài đời để trao đổi, chia sẻ việc học hành.
NGUYỄN THANH VŨ (quận Tân Phú, TPHCM)
Lạm dụng ĐTDĐ đến mức lơ là công việc
Thời nay, chỉ cần chừng 1 triệu đồng là có thể mua một chiếc smartphone có đầy đủ tính năng cần thiết để giải trí. Do vậy hầu như người lao động nào cũng sắm sửa cho mình một chiếc ĐTDĐ để có thể nắm bắt thông tin thời sự, chơi game, nghe nhạc, xem phim, đọc truyện, hay trò chuyện cùng bạn bè sau những giờ lao động mệt nhọc. Tuy nhiên, nhiều người đã lạm dụng ĐTDĐ đến mức quên ăn quên ngủ, lơ là công việc. 
Game online dễ làm người ta đam mê và nghiện. Có nhiều trò chơi trong ứng dụng, ban đầu chào mời rất hấp dẫn: miễn phí hoàn toàn. Nhưng khi chơi được vài level (cấp độ) thì đòi hỏi người chơi phải nạp tiền thông qua nhập mã thẻ cào mới có thể chơi tiếp. Chẳng hạn như game đánh bài, lắc bầu cua…, nhiều người lao động sa đà vào các trò chơi này đến mức nghiện, bị sạch túi. Ngoài ra, qua ĐTDĐ, nhiều người vô tư xem những website được lập ra với mưu đồ chính trị, xuyên tạc, kích động, hoặc nội dung không lành mạnh, ảnh hưởng đến nhận thức chính trị và đạo đức, lối sống. Vì nghiện ĐTDĐ, nên nhiều người lao động không tập trung vào công việc của mình, vi phạm kỷ luật lao động và gây mất an toàn lao động, vừa làm việc vừa dán mắt vào ĐTDĐ khi nhiều ứng dụng chat live-stream xuất hiện tràn ngập. 
Người lao động nên tự bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình. Không nên  sa đà vào ĐTDĐ khi đang trong giờ làm việc, nhất là với những nghề nguy hiểm. 
ĐẶNG TRUNG THÀNH (quận Bình Tân, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục