“Đừng để cho những người thờ ơ vô cảm giữ bất cứ trọng trách nào“

"Sự thờ ơ vô cảm, làm cho một tổ chức, một cơ quan chao đảo, trong đó, người ta thờ ơ vô cảm vì muốn được yên thân, vì nhỏ nhen, vì vụ lợi, vì muốn tham ô trục lợi, vì muốn trù dập người tốt. Sự thờ ơ vô cảm đã tiếp tay, đồng lõa với thiếu trách nhiệm", ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) trăn trở.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu tại phiên họp chiều 31-10-2019 của Quốc hội. Ảnh: QUOCHOI
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu tại phiên họp chiều 31-10-2019 của Quốc hội. Ảnh: QUOCHOI

Chiều 31-10, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề cập đến thái độ thờ ơ vô cảm, thiếu trách nhiệm đang khá phổ biến, bắt đầu từ vụ cháu bé trường quốc tế Gateway bị bỏ quên đến tử vong trên xe đưa đón của trường.

“Ở đây, tôi muốn nói về nỗi day dứt của mình mỗi khi nghĩ đến người lái xe thản nhiên tắt máy, đóng cửa xe mà không có một cái nhìn lại; người phụ nữ đưa học sinh đến trường mà không hề kiểm đếm các cháu khi bàn giao; cô giáo chủ nhiệm mà cả ngày không biết có 1 học sinh trong lớp của mình vắng mặt. Xin lỗi thế nào với gia đình, với cháu bé xấu số đây?”, ĐB Nguyễn Anh Trí trăn trở.

Theo ĐB Nguyễn Anh Trí, sự thờ ơ vô cảm, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, còn thể hiện ở vụ Công ty Cổ phần Kinh doanh nước sạch sông Đà lấy nước từ một hồ không an toàn lộ thiên về bán cho dân dùng nhiều năm mà không ai cảnh báo, nhắc nhở.

Sự thờ ơ vô cảm tệ hại đến mức, có người bị tai nạn cướp giật, bị đánh đập ngay giữa phố mà không ai giúp, một người tốt có thể bị kẻ xấu "ném đá" tới tấp trên mạng cũng không ai dám lên tiếng bênh vực.

Theo ĐB Nguyễn Anh Trí, sự thờ ơ vô cảm, làm cho một tổ chức, một cơ quan chao đảo, trong đó, người ta thờ ơ vô cảm vì muốn được yên thân, vì nhỏ nhen, vì vụ lợi, vì muốn tham ô trục lợi, vì muốn trù dập người tốt. Sự thờ ơ vô cảm đã tiếp tay, đồng lõa với thiếu trách nhiệm.

ĐB Nguyễn Anh Trí kiến nghị: “Sắp đến Đại hội Đảng, xin đừng để cho những người thờ ơ vô cảm, thiếu trách nhiệm với người dân, với doanh nghiệp giữ bất cứ trọng trách nào trong bộ máy công quyền”.

ĐB Nguyễn Anh Trí nhận xét, trong báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, Chính phủ đã thẳng thắn nêu lên những hạn chế yếu kém bất cập trong lĩnh vực văn hóa, xã hội. Những biểu hiện xuống cấp đạo đức như bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình… xảy ra ở một số địa phương. Chính phủ cũng xác định nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, tồn tại, trong đó chỉ rõ, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chưa làm tròn, chức trách nhiệm vụ được giao.

Những nguyên nhân sâu xa gốc rễ của tình trạng trên, theo ĐB Nguyễn Anh Trí, còn chưa được chỉ rõ, chưa được cắt nghĩa một cách thấu đáo.

ĐB Nguyễn Anh Trí phân tích, sau những năm đất nước mở cửa thực hiện công cuộc đổi mới, một số tiêu chí của hệ giá trị về đạo đức văn hóa ít được coi trọng, giữ gìn. Trước đây, xã hội được điều tiết bởi những hệ thống giá trị văn hóa truyền thống giúp con người cách sống lao động ứng xử có chừng mực những tấm gương đạo đức trước kia có tác dụng rất lớn để mọi người noi theo thì nay vị trí đó rất mờ nhạt.

Những nghề vốn được xem là cao quý như nghề y, nghề giáo cũng có những biểu hiện xuống cấp đạo đức vì lý do này. Nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc giờ đây bị thách thức bởi thói quen mới ra đời từ một cuộc sống vật chất tiện nghi hơn.

Xã hội hiện đại còn bị chi phối bởi đồng tiền và lợi ích vật chất. Vậy nên các giá trị văn hóa nhân văn dễ bị kinh tế làm lu mờ.

Tin cùng chuyên mục