Đừng để chạy theo sai phạm

Sự việc mới nhất liên quan đến bộ phim Little Women (tựa tiếng Việt: Ba chị em) có nội dung bóp méo và dữ liệu sai lệch về chiến tranh Việt Nam, một lần nữa cho thấy những vi phạm về phổ biến phim trên không gian mạng mang tính lặp lại kiểu… “ngựa quen đường cũ”.

Tính từ năm 2020, đây là lần thứ 4 trên Netflix xuất hiện những vi phạm quy định của Luật Điện ảnh và nhiều văn bản luật có liên quan.

Trước đó, vào năm 2020, hai bộ phim Put Your Head On My Shoulder (Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta) và Madam Secretary; năm 2021, phim Pine Gap đều có những hình ảnh, hay nội dung sai trái về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Động thái của nền tảng này trong tất cả các trường hợp là nhanh chóng gỡ bản phim có nội dung vi phạm, lên tiếng xin lỗi. Nhưng rồi, sai phạm lại vẫn cứ tiếp tục. Trong tất cả các trường hợp, mọi chuyện đều được đặt vào tình thế đã rồi khi phim được trình chiếu rộng rãi, khán giả phát hiện sai phạm và phản ứng. Không ai dám chắc trong tương lai, những vi phạm tương tự liệu có thể chấm dứt một cách triệt để.

Một vấn đề được đặt ra từ nhiều năm qua, nền tảng Netflix chưa đăng ký kinh doanh hợp pháp và không đặt chi nhánh tại Việt Nam nên cơ quan chức năng giống như đang… “cầm dao đằng lưỡi”. Do đó, các văn bản luật và dưới luật, trong đó có Luật Điện ảnh (sửa đổi) mới nhất vừa được thông qua cũng chưa thể áp dụng các điều khoản với nền tảng này để có các hình thức xử lý nghiêm khắc. Nhưng, đồng thời cũng có một câu hỏi và băn khoăn của rất nhiều người, không lẽ cứ để tình trạng lách luật này diễn ra ngang nhiên mà không có các biện pháp mạnh nào để quản lý, ngăn chặn? Trong trường hợp này, những ý kiến về việc cấm hẳn dịch vụ này tại Việt Nam lại được đặt ra.

Sai phạm từ phía Netflix là đáng báo động, vì nó đã và đang tạo ra những tiền lệ xấu trong cuộc cạnh tranh giữa các nền tảng trực tuyến trong và ngoài nước. Nếu không có các biện pháp chế tài và hành lang pháp lý nghiêm khắc, việc “nhờn luật” hoàn toàn có thể tái diễn với nhiều nền tảng nước ngoài sẽ vào Việt Nam thời gian tới. Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên, câu chuyện cạnh tranh thiếu lành mạnh và không công bằng được đặt ra. Vấn đề này không chỉ được các đơn vị kinh doanh nội dung trên nền tảng số trong nước “kêu cứu” nhiều lần, bản thân cơ quan quản lý nhà nước đã nhận thấy nhưng chưa có giải pháp vẹn cả đôi đường.

Dù Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ áp dụng hình thức hậu kiểm với phim phổ biến trên không gian mạng, song bản thân các nền tảng trong nước hiện vẫn đang chịu sự quản lý về nội dung rất chặt chẽ, có hội đồng phân loại phim riêng cũng như chấp hành đầy đủ các quy định về thuế, phí.

Về mặt nội dung, ai cũng nhận thấy tiềm lực của các đơn vị trong nước khi đặt lên bàn cân so sánh với các nền tảng nước ngoài, rõ ràng cũng là cuộc đua không cân sức. Với những bất lợi đó, nếu không luật hóa quản lý các nền tảng nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước tiếp tục còn thất thế, thất thu trên chính sân nhà.

Tin cùng chuyên mục