Dùng công nghệ cứu hỏa AI bảo vệ di tích cổ

Shimizu Corp, một trong những tập đoàn kiến trúc, xây dựng hàng đầu của Nhật Bản, đã phát triển công nghệ cứu hỏa sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm bảo vệ các di sản văn hóa bằng gỗ. 
Thành cổ Shuri tại Okinawa trước vụ cháy
Thành cổ Shuri tại Okinawa trước vụ cháy

Dự kiến, công nghệ này sẽ được lắp đặt tại các tòa nhà cổ từ tháng 4-2023 với hy vọng giúp bảo vệ di sản văn hóa của Nhật Bản.

Theo Japan News, khác với các công nghệ chữa cháy hiện tại, công nghệ mới này sẽ kết hợp chức năng của camera giám sát và hệ thống chữa cháy bằng cách phân tích ngọn lửa, khói do camera ghi lại và tự động phun nước. Các camera có thể phát hiện ra những đám cháy nhỏ ở khoảng cách xa. Nếu phát hiện đối tượng khả nghi, hệ thống sẽ thông báo cho công ty an ninh để kịp thời ngăn chặn cuộc tấn công đốt phá.

Các cảm biến của hầu hết hệ thống chữa cháy hiện nay đều không được kích hoạt cho đến khi đám cháy lớn tới một mức độ nhất định dẫn tới chậm trễ trong dập lửa. Trong khi đó, các hệ thống hiện tại cũng kích hoạt đồng thời tất cả thiết bị chữa cháy trong khuôn viên, dẫn đến khả năng hết nước trước khi đám cháy được dập tắt hoàn toàn hoặc gây ra thiệt hại do áp lực nước.

Là một quốc gia thường xuyên gánh chịu thiên tai, mối đe dọa với các di tích lịch sử ở Nhật Bản luôn thường trực. Việc phần lớn các di tích được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cũng có nguy cơ gặp hỏa hoạn. Năm 2019, vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại thành cổ Shuri tại Okinawa phá hủy tòa chính điện gây tiếc nuối lớn.

Tin cùng chuyên mục