Đưa vào hoạt động tuyến tàu cao tốc du lịch bến Bạch Đằng - Cần Giờ - Vũng Tàu

Sáng 10-2, Sở Giao thông Vận tải TPHCM phối hợp Công ty TNHH Greenline DP (chủ đầu tư dự án) chính thức đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy từ bến Bạch Đằng - Cần Giờ - Vũng Tàu. 

Đến dự và cắt băng khai trương có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến; Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng các sở, ngành liên quan và hàng trăm hành khách.

Đưa vào hoạt động tuyến tàu cao tốc du lịch bến Bạch Đằng - Cần Giờ - Vũng Tàu ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cùng đại diện các sở, ngành liên quan cắt băng khai trương tuyến tàu du lịch cao tốc TPHCM đi Vũng Tàu. Ảnh: QUỐC HÙNG
Công ty TNHH Greenline DP cho biết, toàn tuyến có cự ly 85 km. Điểm đầu xuất phát từ bến Bạch Đằng đi qua các sông Sài Gòn, Nhà Bè, Long Tàu, Ngã Bảy rồi đến bến Tắc Suất (huyện Cần Giờ). Từ đây sẽ tiếp tục di chuyển qua mũi Gành Rái đến bến Khu Du lịch cáp treo Hồ Mây (TP Vũng Tàu).
Tuyến gồm có 7 tàu hoạt động với sức chở từ 50-132 khách/tàu. Giá vé từ bến Bạch Đằng đi bến Tắc Suất và ngược lại là 200.000 đồng/lượt/khách. Riêng cán bộ, công chức công tác tại huyện Cần Giờ, người dân có hộ khẩu thường trú tại Cần Giờ, trẻ em từ 6-11 tuổi có người lớn đi kèm, người già trên 62 tuổi được giảm 50% giá vé (100.000 đồng). Cũng theo lộ trình của tuyến vận tải này, từ TPHCM đi thẳng đến Vũng Tàu giá vé là 250.000 đồng/người/lượt.
Đưa vào hoạt động tuyến tàu cao tốc du lịch bến Bạch Đằng - Cần Giờ - Vũng Tàu ảnh 2 Tàu cao tốc khởi hành từ cảng bến Bạch Đằng TPHCM. Ảnh: QUỐC HÙNG

Tuyến tàu cao tốc bến Bạch Đằng - Cần Giờ - Vũng Tàu gồm 7 chiếc tàu sử dụng động cơ Rolls Royce. Trong đó, có 3 tàu sức chứa 50 hành khách, 2 tàu sức chứa 96 hành khách, 2 tàu sức chứa 132 hành khách và 2 tàu RIB (15 chỗ) sẵn sàng hỗ trợ các tàu khi gặp sự cố. 

Tại lễ khai trương, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch này giúp người dân, du khách có thêm nhiều sự lựa chọn mới. Điểm đầu của tuyến tại bến Bạch Đằng có nhiều loại hình giao thông khác như xe buýt, taxi... giúp thuận tiện cho việc kết nối và tạo điều kiện cho hành khách đi lại.

"Việc đưa tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch này ngoài việc giảm tải cho giao thông đường bộ còn giúp đa dạng hơn loại hình giao thông công cộng theo đúng chủ trương của TPHCM. Đưa vào hoạt động tuyến tàu cao tốc du lịch cũng nhằm đạt được mục tiêu đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đường thủy mỗi năm khoảng 20%, doanh thu mỗi năm tăng 30% theo kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy của TPHCM đến năm 2020", ông Bùi Xuân Cường chia sẻ.

Đưa vào hoạt động tuyến tàu cao tốc du lịch bến Bạch Đằng - Cần Giờ - Vũng Tàu ảnh 3 Những hành khách lên chuyến tàu cao tốc đầu tiên. Ảnh: MINH DIỄM

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM thông tin thêm: Khác với tuyến tàu cao tốc từ TPHCM đi Vũng Tàu trước đây, tuyến này với mô hình hoạt động đa dạng hơn, nhiều điểm đến để hành khách tham quan du lịch chứ không đi thẳng từ điểm đầu đến điểm cuối như trước đây. Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải TPHCM sẽ kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông từ đi bộ, xe buýt... đảm bảo an toàn giao thông; tiếp tục nghiên cứu mở các tuyến tàu cao tốc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; đồng thời phát triển du lịch đường thủy, chia bớt áp lực ùn tắc giao thông đối với đường bộ, hạn chế xe cá nhân.

Đưa vào hoạt động tuyến tàu cao tốc du lịch bến Bạch Đằng - Cần Giờ - Vũng Tàu ảnh 4 Ngoài yếu tố kỹ thuật và cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ thống tàu GreenlinesDP còn được trang bị những dịch vụ tiện nghi như máy lạnh công suất lớn, nội thất sang trọng, quầy bar, wifi, tivi, khăn lạnh, báo… nhằm phục vụ chu đáo cho hành khách khi lên tàu. Ảnh: MINH DIỄM

Phát biểu tại lễ khai trương, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, hệ thống đường thủy tại TPHCM là một thế mạnh nên cần tập trung đẩy mạnh các loại hình giao thông, du lịch... nhất là các mô hình giao thông công cộng để người dân quen dần và hạn chế xe cá nhân.

Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh: “Từ nay tới năm 2020, TPHCM phấn đấu đưa số lượng hành khách sử dụng các phương tiện đường thủy vào khoảng 1 triệu khách. Đặc biệt, sẽ triển khai thêm các mô hình giao thông công cộng như xe đạp điện, xe điện có áp dụng công nghệ... để tăng tính kết nối, giúp hành khách khi vừa xuống những phương tiện đường thủy thì có thể lập tức đón được xe tới nơi có nhu cầu".

Thời gian hành trình và giá vé:

- Tuyến từ bến Bạch Đằng - Cần Giờ: 8 giờ - 12 giờ

- Tuyến từ Cần Giờ - bến Bạch Đằng: 8 giờ 30 - 14 giờ 30

Giá vé 200.000 đồng/lượt dành cho người lớn, 100.000 đồng/lượt dành cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi có người lớn đi kèm. Cán bộ viên chức công tác tại Cần Giờ và người dân có hộ khẩu tại huyện Cần Giờ được giảm 50% giá vé.

-  Tuyến từ Cần Giờ - Vũng Tàu: 9 giờ 30 - 13 giờ 30

- Tuyến từ Vũng Tàu - Cần Giờ : 8 giờ - 14 giờ

Giá vé 100.000 đồng/lượt dành cho người lớn, 50.000 đồng/lượt dành cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi có người lớn đi kèm. Cán bộ viên chức công tác tại Cần Giờ và người dân có hộ khẩu tại huyện Cần Giờ được giảm 50% giá vé.

- Tuyến từ Bạch Đằng - Vũng Tàu: 8 giờ - 9 giờ - 10 giờ - 11 giờ - 12 giờ - 14 giờ - 16 giờ

- Tuyến từ Vũng Tàu - Bạch Đằng: 8 giờ - 10 giờ - 12 giờ - 13 giờ - 14 giờ - 15 giờ - 16 giờ

Giá vé 200.000 đồng/lượt dành cho người lớn và 100.000 đồng/lượt dành cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi có người lớn đi kèm đi từ Bạch Đằng – Vũng Tàu (cập bến Tắc Xuất, Cần Giờ đón trả khách sau đó tiếp tục đến Vũng Tàu).

Giá vé 250.000 đồng/lượt dành cho người lớn và 10.000 đồng/lượt dành cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi có người lớn đi kèm đi từ Bạch Đằng – Vũng Tàu (đi thẳng đến Vũng Tàu).

Hành khách từ 62 tuổi trở lên được giảm 30% giá vé, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người tàn tật, trẻ em dưới 6 tuổi đi kèm người lớn đều được miễn phí. 

Tin cùng chuyên mục