Dựa vào dân để chống tham nhũng, chứ “chỉ chống với nhau thì không ăn thua“

Khẳng định quyết tâm tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Chương trình hành động về lĩnh vực này. 

Ngày 4-1, tại TPHCM, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII tổ chức Hội nghị lần thứ 13.

Tham dự có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, nhân dân và cử tri đánh giá cao việc Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mức tăng trưởng khá, thường xuyên quan tâm đến công tác an sinh xã hội.

Ông Trần Thanh Mẫn cũng chỉ rõ, nhân dân và cử tri vẫn lo lắng về một số vấn đề như: nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, năng suất lao động chưa cao; nợ công cao; phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của Doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát; số lượng doanh nghiệp thành lập mới khá cao nhưng năng lực cạnh tranh thấp; nhiều cơ chế, chính sách còn bất cập; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực rườm rà, phức tạp; tham nhũng, lãng phí chưa thực sự được đẩy lùi…

Dựa vào dân để chống tham nhũng, chứ “chỉ chống với nhau thì không ăn thua“ ảnh 1 Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai (thứ hai từ trái qua), Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn (thứ ba từ phải qua) trao đổi với các đại biểu dự hội nghị

Chương trình điểm nhấn trong hoạt động của MTTQ Việt Nam khóa VIII là phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Khẳng định quyết tâm tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Chương trình hành động về lĩnh vực này. Dự thảo chương trình đã nhận được sự quan tâm, góp ý sôi nổi của các đại biểu. 

Theo đó, MTTQ Việt Nam chủ động, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí.

MTTQ Việt Nam cũng xác định giám sát và phản biện xã hội là những công cụ quan trọng. MTTQ Việt Nam các cấp xây dựng, tổ chức kế hoạch giám sát và phản biện xã hội hàng năm, phát huy việc triển khai các hoạt động giám sát đột xuất để góp phần phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, lãng phí.

MTTQ Việt Nam cũng giám sát thực hiện các hình thức công khai, minh bạch, dân chủ ở cơ sở; giám sát thường xuyên, chặt chẽ hoạt động của chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở để ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và việc sách nhiễu với nhân dân.

Để phòng chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả, MTTQ Việt Nam xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí. Trên cơ sở tiếp nhận các ý kiến của người dân, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ phân tích, phản ánh, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền; theo dõi, giám sát quá trình giải quyết và công khai kết quả giải quyết để nhân dân biết, tin tưởng.

MTTQ Việt Nam các cấp cũng cụ thể hóa giám sát của người dân, nhất là giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú, khu dân cư về những biểu hiện không lành mạnh trong thu nhập, tài sản, nhà đất bất minh…

Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam các cấp chủ động, phối hợp với các cơ quan báo chí trong đấu tranh với tham nhũng, lãng phí.

Cho ý kiến về chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020, ông Lù Văn Que, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý, phải dựa vào dân để chống tham nhũng, lãng phí, chứ “chỉ chống với nhau thì không ăn thua”.

“Làm sao phải kiểm soát được quyền lực, bởi chỉ công chức, cán bộ, người có quyền thì mới tham nhũng được. Thay vì “bí mật, chỉ các cơ quan biết với nhau”, trong công tác này phải có cơ chế và phải công khai, minh bạch để dân biết mà giám sát”, ông Lù Văn Que đề nghị.  
Trước tình trạng tham nhũng, lãng phí như hiện nay, ông Hà Văn Núi, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị phải xem lại lỗi tại đâu: lỗi hệ thống, lỗi tổ chức bộ máy, hay lỗi của cán bộ?
Ông Hà Văn Núi cho rằng: “Một trong các lỗi đó là bộ máy quá cồng kềnh, trùng lắp với nhau. Vì thế, bao nhiêu vấn đề nảy sinh không được phát hiện kịp thời. Khi “um” ra hết thì đã diễn biến phức tạp và không ai chịu trách nhiệm cả”.
Ông Hà Văn Núi đề nghị, phải tinh gọn bộ máy, không tăng biên chế nhưng tăng chuyên gia, phát huy vai trò của chuyên gia, đẩy mạnh việc giám sát, phản biện xã hội.
Ông Đỗ Quang Hưng góp ý, khi phát hiện tham nhũng, lãng phí thì phải xử lý nghiêm theo pháp luật, chứ bắt làm “cam kết liêm khiết” thì rất mơ hồ và khó phòng, chống được tham nhũng.                         

Tin cùng chuyên mục