Đưa trí tuệ nhân tạo của Việt Nam ngang tầm thế giới

Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 của Việt Nam đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng như: nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực… Vấn đề là bước đi nào để đạt được những mục tiêu này?
Giới thiệu về đội ngũ những người nghiên cứu AI của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về AI tại lễ khai trương
Giới thiệu về đội ngũ những người nghiên cứu AI của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về AI tại lễ khai trương

Phát triển nguồn nhân lực

Ngày 31-3, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về AI, kết quả hợp tác giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn Naver (Hàn Quốc), chính thức ra mắt. Trung tâm là nơi kết nối các đơn vị nghiên cứu về AI trong cả nước, cũng như tăng cường liên kết, hợp tác với các trung tâm AI hàn lâm và công nghiệp mạnh trên thế giới. Trung tâm không những triển khai các nghiên cứu cơ bản tạo ra công nghệ lõi “Make in Vietnam” mà còn chú trọng đến phát triển, ứng dụng AI trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng, nhưng lại có cách đi khá chắc chắn với 3 trụ cột chính được đảm nhiệm bởi 3 bộ: KH-CN, TT-TT, GD-ĐT cũng như các bộ ngành khác liên quan đến ứng dụng AI. “Khi cùng các bộ ngành xây dựng chiến lược này để trình Thủ tướng ban hành, chúng tôi luôn tin rằng, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là trụ cột quan trọng nhất cho sự phát triển khoa học - công nghệ Việt Nam và đặc biệt cho phát triển AI tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhận định và cho rằng, những lĩnh vực trước mắt cần đưa AI vào ứng dụng là an ninh quốc phòng, chăm sóc sức khỏe người dân và quản lý tài nguyên môi trường.

GS Hồ Tú Bảo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế AI, nhận định, nghiên cứu về AI giữa Việt Nam và các nước như Nhật Bản, Mỹ đang có sự chênh lệch rất lớn. Tuy nhiên, khoảng cách này sẽ ngày càng được thu hẹp. Đó là nhờ đội ngũ nhân lực của Việt Nam học ở nhiều nước hay đang làm việc cho các tổ chức lớn của thế giới. Đây là những người rất giỏi nên cơ hội để Việt Nam tăng tốc phát triển lĩnh vực này là khả thi.

Sự vào cuộc của các công ty công nghệ

Giữa năm 2020, Tập đoàn FPT và Viện Nghiên cứu AI hàng đầu thế giới Mila (Canada) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giai đoạn 2020-2023 nhằm phát huy thế mạnh của hai bên, nhất là việc triển khai mạnh mẽ, sâu rộng AI ở Việt Nam. Giám đốc Công nghệ FPT lúc bấy giờ, ông Lê Hồng Việt, cho biết, từ những ngày đầu nghiên cứu và ứng dụng AI, tham vọng của FPT là đưa công nghệ AI Việt Nam lên tầm thế giới. Việc hợp tác với Mila là một trong những bước đệm quan trọng của FPT hướng tới tham vọng này. Mila có lịch sử 27 năm nghiên cứu về AI và quy tụ gần 500 nhà nghiên cứu AI vào loại xuất sắc thế giới. Hầu hết những “ông lớn” về công nghệ đều đã và đang là đối tác của Mila như: Hitachi, Google, Microsoft… Cùng thời điểm đó, UBND tỉnh Bình Định đã trao quyết định đầu tư Tổ hợp Giáo dục - Trí tuệ nhân tạo quy mô lớn của FPT tại Quy Nhơn, với mục tiêu trở thành trung tâm AI của thế giới. Cùng sự hợp tác với Mila, lãnh đạo FPT đặt mục tiêu, sau khi đi vào hoạt động, tổ hợp này sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực khoa học công nghệ cao, nhất là công nghệ AI, cho khu vực Nam Trung bộ nói riêng, cả nước nói chung, góp phần tích cực trong việc đưa trí tuệ Việt trong mảng công nghệ mới ra toàn cầu.

Thời gian qua, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam như FPT, Bkav, Vingroup, Viettel, VNPT, CMC... đã đầu tư mạnh mẽ, triển khai có hiệu quả công nghệ AI vào sản xuất kinh doanh hay thúc đẩy chuyển đổi số của đất nước. Trong thời kỳ dịch Covid-19, xu hướng các doanh nghiệp tìm đến những ứng dụng AI ngày càng nhiều là điều dễ nhận thấy. Doanh nghiệp có thể tự động hóa nhiều phần việc mà trước nay cần nhiều nhân lực, như tổng đài chăm sóc khách hàng. Tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động là hiệu quả rõ nhất từ việc ứng dụng AI vào quá trình vận hành doanh nghiệp. Với những bước đi cụ thể, các công ty công nghệ Việt Nam đang thực hiện xã hội hóa AI, đem AI đến cho mọi người và hướng tới việc mang đến cho người dân những sản phẩm, ứng dụng AI mang đẳng cấp thế giới.

Tin cùng chuyên mục