Đưa sản phẩm chủ lực của ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu

Ngày 21-12, tại Đồng Tháp, khai mạc diễn đàn “Mekong Connect 2020”. Đây là lần thứ 5, diễn đàn được tổ chức trên tinh thần liên kết tự nguyện giữa 4 tỉnh, thành  ABCD – Mekong, gồm “An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp” và sự đồng hành của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cùng các đơn vị liên quan, nhằm mục tiêu “Liên kết cùng phát triển”.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tham dự.

Đưa sản phẩm chủ lực của ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu ảnh 1 Các đại biểu trao đổi tại diễn đàn Mekong Connect 2020

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, liên kết được xem là một trong những chìa khóa quan trọng để đi đến thành công, nhưng đây cũng là điểm nghẽn của nền kinh tế, đặc biệt là liên kết vùng.

Diễn đàn lần này với chủ đề “Đưa sản phẩm, dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu” nhằm mục tiêu tìm ra giải pháp để hàng Việt Nam không chỉ chinh phục người Việt Nam, mà còn chinh phục được thị trường quốc tế.

Trước mắt, các tỉnh trong liên kết ABCD mong muốn phát triển sản phẩm, dịch vụ của vùng không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong thời buổi công nghệ phát triển và thế giới phẳng hiện nay. Đồng Tháp đang sẽ nỗ lực góp phần nhằm có một Mekong Connect 2020 đổi mới, thiết thực...

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá cao sáng kiến của 4 địa phương ABCD - Mekong trong duy trì tổ chức thường niên diễn đàn này. Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư vào phát triển kinh tế nông nghiệp, gắn với bảo vệ môi trường; các tỉnh cần chọn thứ tự ưu tiên trong phát triển hạ tầng trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu, huy động thêm các nguồn lực xã hội; đồng thời quan tâm giải quyết nút thắt về chất lượng nguồn nhân lực.

Để thúc đẩy kinh tế vùng, các địa phương cần cùng nhau kiến nghị Trung ương đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng, kết nối đồng bộ với nhau và với trung tâm kinh tế TPHCM.

Ngoài ra, kiến nghị Trung ương xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển ĐBSCL, thành lập trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu ở ĐBSCL...

Dịp này, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng thông tin về Hiệp định EVFTA, cùng những gợi mở, định hướng phát triển ĐBSCL, phương thức đưa nông sản của vùng vào châu Âu. Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam đưa ra những định hướng về đầu tư nguồn năng lượng sạch nhằm góp phần thay đổi kinh tế ĐBSCL trong tương lai.

Đưa sản phẩm chủ lực của ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu ảnh 2 Các đơn vị ký kết hợp tác 
Tại diễn đàn, ngoài nhiệm vụ kết nối kinh tế 4 tỉnh, thành ABCD, các tỉnh đẩy mạnh thực hiện liên kết để phát triển bền vững trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Song song đó, tăng cường đổi mới, tạo cơ hội để kết nối giao thương giữa nhà sản xuất, nhà tư vấn, nhà phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước; kết nối trực tuyến với các đầu mối quốc tế, sớm đưa nhiều sản phẩm dịch vụ của ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển toàn vùng ngày càng thịnh vượng.
Mặt khác, các đại biểu còn thảo luận chuyên đề về công nghiệp hóa sản xuất kinh doanh nông nghiệp - góc nhìn từ OCOP; Xây dựng và phát triển địa phương gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Quy hoạch và phát triển nguồn lực mới ở vùng ĐBSCL; Chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp… 

Tin cùng chuyên mục