Đưa nông sản Tây Nguyên xuất ngoại

Nông sản Tây Nguyên nhờ được cấp mã số vùng trồng nên đã được xuất ngoại, giúp người dân, doanh nghiệp tăng lợi nhuận. Các tỉnh Tây Nguyên đang tạo điều kiện đẩy nhanh cấp mã vùng trồng để hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Sơ chế chuối ở Nông trường Ia Phìn để xuất khẩu sang Trung Quốc
Sơ chế chuối ở Nông trường Ia Phìn để xuất khẩu sang Trung Quốc

Trồng chuối thu ngoại tệ 

Khoảng 2 năm qua, một số nhà đầu tư nông nghiệp tại Tây Nguyên hướng đến xuất khẩu trái cây bằng việc xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Điển hình tại Gia Lai, toàn tỉnh có 55 mã số vùng trồng và 21 cơ sở đóng gói quả tươi như xoài, thanh long, mít, chuối, dưa hấu đã đủ điều kiện xuất khẩu theo đường chính ngạch qua Trung Quốc, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ.

Nổi bật là Nông trường Ia Phìn (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) được cấp mã số vùng trồng cho hơn 130ha chuối xuất khẩu sang Trung Quốc. Tại đây, chuối được trồng bạt ngàn. Công nghệ sản xuất được đầu tư bài bản gồm: hệ thống tưới nhỏ giọt, dàn máy vận chuyển, nhà sơ chế, đóng gói. 

Ông Lê Hữu Tín, quản lý Nông trường Ia Phìn cho biết, vào tháng 5-2021, đơn vị thuê diện tích đất nói trên để trồng chuối. Xác định việc đăng ký cấp mã số vùng trồng là việc rất quan trọng để ổn định đầu ra nên đơn vị đã làm thủ tục đăng ký mã vùng trồng và được chấp thuận vào tháng 2-2022. Đến tháng 4, vườn chuối đã bắt đầu thu hoạch, đến nay đã thu được 800 tấn, giá trung bình khoảng 20.000 đồng/kg.

“Nhẩm tính, 1ha chuối xuất ra nước ngoài có lợi nhuận gấp 3 lần so với 1ha cà phê. Cái quan trọng nhất là nhờ được cấp mã số vùng trồng nên đầu ra ổn định, đơn vị sản xuất bao nhiêu thì bán sạch bấy nhiêu”, ông Tín nói. 

Theo ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông (Gia Lai), trên địa bàn, vùng nguyên liệu được cấp mã vùng trồng cho các loại nông sản trái cây như xoài, thanh long, chuối lên đến hàng ngàn hécta. Thực tế, nhờ được cấp mã số vùng trồng nên nông sản được khách hàng ở thị trường Trung Quốc ưa chuộng, sản phẩm được tiêu thụ nhanh chóng, giá thu mua cũng rất cao, mang lại hiệu quả kinh tế tốt.

Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Gia Lai, cho biết, việc cấp mã số vùng trồng đã mang lại nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp. Đơn cử như có đơn vị trồng chuối, trước khi chưa được cấp mã vùng trồng thì bán trong nước chỉ có khoảng 5.000 đồng/kg, còn nay được cấp mã số vùng trồng và xuất bán nước ngoài thì giá khoảng 20.000 đồng/kg.

Còn tại Kon Tum, có 6 mã số vùng trồng đã được cấp cho các loại chuối, mít phục vụ cho xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Kon Tum, cho biết, hiện các đơn vị được cấp mã vùng trồng đang háo hức chờ xuất khẩu ra nước ngoài và hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư.

Tăng cường liên kết

TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI, Bộ NN-PTNT) cho biết, việc cấp mã số vùng trồng là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu chính ngạch, cũng là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao giá trị nông sản và sản xuất bền vững. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tại Tây Nguyên, việc cấp mã số vùng trồng thường gắn liền với diện tích lớn, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp, trang trại lớn vì họ có điều kiện để triển khai. Việc cấp mã số vùng trồng cho hộ dân Tây Nguyên còn ít vì dân sản xuất nhỏ lẻ, không đủ điều kiện. 

Do đó, ông Hà cho rằng, người dân cần liên kết sản xuất theo hình thức tổ nhóm hoặc hợp tác xã để tạo ra vùng trồng lớn, như vậy dễ đạt tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng. Khi được cấp mã số vùng trồng, người dân cần tuân thủ quy trình sản xuất đã được duyệt cũng như minh bạch thông tin trong quá trình sản xuất để người mua có thể truy xuất nguồn gốc. Riêng địa phương cần tạo điều kiện giúp người dân liên kết sản xuất, có sự giám sát định kỳ tại các cơ sở được cấp mã số vùng trồng để đảm bảo việc sản xuất tại cơ sở này đúng quy trình.

Theo ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nhằm quản lý, giám sát mã số vùng trồng, góp phần định hướng nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở NN-PTNT nghiên cứu, đề xuất ban hành các cơ chế, đặc thù của tỉnh để hỗ trợ phát triển các vùng trồng và đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương bố trí nguồn lực phối hợp với đơn vị liên quan đẩy mạnh việc thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương, trong đó thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng, duy trì chất lượng của vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Mã số vùng trồng là chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc, theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Để cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cá nhân, tổ chức làm đề nghị, chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh sẽ kiểm tra thực tế, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp mã số gửi về Cục Bảo vệ thực vật để làm cơ sở cấp mã số theo yêu cầu của nước nhập khẩu. 

Tin cùng chuyên mục