Đua nhau chặt… rừng non


Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương rộ lên tình trạng chặt rừng non (chủ yếu là rừng keo, mỡ, bạch đàn lai) thuộc rừng sản xuất.
Những vạt rừng ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đã và đang bị thu hoạch non
Những vạt rừng ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đã và đang bị thu hoạch non

Khoảng 3-4 tháng nay, tại nhiều địa phương như Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ngãi và một số tỉnh ở miền Trung, các chủ rừng đua nhau khai thác, bán keo sớm vì được giá cao. Ghi nhận tại các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình), khoảng 1-2 tháng nay, xe chở keo hối hả ngược xuôi, từng vạt rừng keo được hạ xuống, thợ cưa tất bật làm hết công suất.

Một chủ rừng ở xã Đú Sáng (huyện Kim Bôi) cho biết, thông thường mùa khai thác keo là đầu năm, nhưng đến nay nhiều nơi vẫn đang khai thác. Hồi cuối năm 2021, mỗi tấn keo 6-7 năm tuổi chỉ bán giá khoảng 900.000 đồng, nhưng thời điểm này, giá keo đã tăng lên 1,1-1,2 triệu đồng/tấn. Còn theo thông tin từ các doanh nghiệp thu gom gỗ keo băm dăm tại Quảng Ngãi, giá 1 tấn keo đã lên tới 1,5 triệu đồng. Trung bình mỗi hécta keo, trước đây chỉ thu được khoảng 70-80 triệu đồng, hiện nay thu được trên 100 triệu đồng, có nơi thu được 200 triệu đồng (tùy theo độ tuổi của keo).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT), do dăm gỗ lên giá mạnh nên nhiều nơi, các khu rừng đang có nguy cơ bị khai thác gỗ non. Thông thường, gỗ keo trồng từ 6-7 năm đến 10 năm thì khai thác mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế, nhưng nhiều nơi bà con đang đốn hạ cả loại keo mới 3-4 năm tuổi, sản lượng gỗ không được nhiều. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine, các nước đang thiếu dăm gỗ nên gia tăng nhập khẩu.

Ông Nguyễn Văn Diện cho biết thêm, đầu năm nay, giá dăm gỗ xuất khẩu chỉ có 130 USD/tấn, nhưng đến nay đã tăng vọt lên 180 USD/tấn. Tại Việt Nam, dăm gỗ chủ yếu được băm từ gỗ keo nên các doanh nghiệp đang tăng cường thu mua, xuất khẩu sang Trung Quốc. “Giá dăm gỗ xuất khẩu cao nhưng với chúng ta lại không vui”, ông Nguyễn Văn Diện nói và cho rằng, tình trạng chủ rừng đua bán gỗ non sẽ ảnh hưởng tới chiến lược trồng rừng gỗ lớn. Nhiều doanh nghiệp đã đề nghị Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cần có định hướng, giải pháp kiểm soát tình trạng này. Trong đó, cần đưa ra các tiêu chí khai thác gỗ rừng sản xuất để tránh tình trạng tranh mua tranh bán, khai thác gỗ non.

Phản hồi về vấn đề trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho rằng, rừng sản xuất đến nay đã giao cho các chủ rừng là của chủ rừng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất (bìa hồng) cũng đã cấp, nên quản lý và khai thác là quyền của chủ rừng, do chủ rừng quyết định và chịu trách nhiệm. “Khai thác lúc nào là do chủ rừng quyết định”, ông Nguyễn Quốc Trị nói và khẳng định, cơ quan quản lý nhà nước không thể cấm người dân khai thác.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, xung đột Nga - Ukraine gây thiếu hụt về nguyên liệu gỗ, gia tăng lạm phát trên thế giới là khó khăn nhưng cũng là cơ hội. Bộ NN-PTNT và các địa phương chỉ có thể đưa ra khuyến cáo là không nên chặt gỗ non vì ảnh hưởng tới năng suất và giá trị gỗ, đồng thời khuyến khích bà con ưu tiên trồng rừng gỗ lớn.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 9,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất siêu đạt 7,508 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó, các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính của Việt Nam gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung khoảng 8,5 triệu m³, đạt 46% kế hoạch, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Tin cùng chuyên mục