Đua nhau bòn rút bảo hiểm y tế

Năm 2016, tổng thu Quỹ BHYT là 63.800 tỷ đồng, trong khi đó tổng chi BHYT là 70.800 tỷ đồng, bội chi đến 7.000 tỷ đồng và con số bội chi vẫn đang có chiều hướng gia tăng.
Không ít người có thẻ BHYT đi khám bệnh hàng chục lần mỗi tháng dù không ốm đau, chỉ để lấy thuốc BHYT về bán
Không ít người có thẻ BHYT đi khám bệnh hàng chục lần mỗi tháng dù không ốm đau, chỉ để lấy thuốc BHYT về bán

Không ít cơ sở cung cấp dịch vụ y tế tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng với nhiều xét nghiệm không cần thiết, sử dụng thuốc giá cao, kéo dài thời gian điều trị nội trú đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT). Trong khi đó, nhiều người có thẻ BHYT cũng đua nhau đi khám bệnh tới hàng chục lần một tháng chỉ để lấy thuốc, dù chẳng mệt mỏi, đau ốm...

“Ngàn lẻ một” mánh khóe trục lợi

Không khỏi lo lắng sau khi đi khám theo BHYT tại Bệnh viện (BV) Giao thông Vận tải, bà Nguyễn T.H. cho biết: Tôi bị bệnh glôcôm nên thường xuyên phải đi kiểm tra, khám mắt theo định kỳ tại BV Mắt trung ương. Tuy nhiên, thời gian vừa rồi, do ngại đường xa và tôi có BHYT tại BV Giao thông Vận tải nên tôi đã tới đây khám. Ai ngờ vừa mới vào khám được ít phút, bác sĩ đã yêu cầu tôi phải nhập viện để mổ mắt thay thủy tinh thể ngay vì mắt kém lắm. Bất ngờ và rất lo trước yêu cầu trên, hôm sau tôi đã tới chuyên khoa Glôcôm tại BV Mắt trung ương khám lại, thì được các bác sĩ kết luận mắt của tôi 5 - 10 năm nữa cũng không phải mổ thay thủy tinh thể. “Thì ra do tôi có BHYT tại BV của họ nên họ chỉ muốn tôi nhập viện, chữa trị dài ngày để thu được nhiều tiền BHYT dù bệnh chẳng nghiêm trọng”, bà H. chia sẻ. 

Trong khi đó, cũng là một bệnh nhân có BHYT, ông Hùng sau 3 ngày nằm viện điều trị tán sỏi thận tại một BV của Hà Nội đã được ra viện. Sau một tuần, ông Hùng quay lại làm thủ tục thanh toán ra viện thì nhận được một bảng kê dài hơn 3 trang giấy về chi phí hàng loạt thuốc men cho 10 ngày nằm viện, dù thực tế ông Hùng chỉ phải nằm viện có 3 ngày. 

Trên đây chỉ là một trong số ít các mánh khóe để BV “rút ruột” Quỹ BHYT qua việc tận thu khám chữa bệnh người có thẻ BHYT. Đặc biệt đáng lo ngại, từ khi chính sách thông tuyến khám chữa bệnh được áp dụng, hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT có xu hướng gia tăng.

Theo BHXH Việt Nam, năm 2016, tổng thu Quỹ BHYT là 63.800 tỷ đồng, trong khi đó tổng chi BHYT là 70.800 tỷ đồng, bội chi đến 7.000 tỷ đồng và con số bội chi vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Qua giám định, phát hiện có 12 bệnh nhân đến khám chữa bệnh BHYT và lấy thuốc tới trên 100 lần, cá biệt có người trên 300 lần khám tại 23 cơ sở. Số tiền mà Quỹ BHYT chi trả cho các bệnh nhân này cao nhất là gần 74 triệu đồng, thấp nhất là 13,5 triệu đồng. Điển hình như bệnh nhân Nguyễn Gia H. (ở TPHCM), trong vòng 8 tháng đã sử dụng thẻ BHYT 308 lần khám chữa bệnh tại 23 nơi (trung bình 38,5 lần/tháng), số tiền mà BHYT đã chi cho bệnh nhân này hơn 51 triệu đồng…

Ảnh hưởng nghiêm trọng

Tình trạng nhiều địa phương, BV và cả người bệnh đang đua nhau “rút ruột” khiến Quỹ BHYT bị thâm hụt, mất cân đối, gây ảnh hưởng hàng triệu người bệnh. Phân tích từ các trường hợp khám chữa bệnh bất thường, ông Dương Tuấn Đức, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT thuộc BHXH Việt Nam, cho biết sở dĩ nhiều bệnh nhân lựa chọn đến khám ở các BV tuyến quận/huyện là vì đây là tuyến áp dụng quy định thông tuyến, không cần có giấy chuyển viện, chi phí thanh toán thường dưới 15% lương cơ sở (không phải cùng chi trả) nên người bệnh được hưởng lợi nhiều khi đi khám chữa bệnh. Đơn cử một bệnh nhân tên N.T.H., được cấp thẻ BHYT ở Lâm Đồng nhưng trong vòng 3 tháng đã tới khám chữa bệnh hơn 100 lần tại TPHCM và được trên cấp 10.600 viên, lọ, chai, vỉ thuốc, với số tiền mà cơ sở khám chữa bệnh đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là 25 triệu đồng. Trong khi đó, bệnh nhân này tham gia BHYT theo hộ gia đình, mức đóng chỉ hơn 600.000 đồng/năm nhưng trong một tháng, số tiền thanh toán BHYT gấp nhiều lần.

Theo BHXH Việt Nam, năm 2016, tổng thu Quỹ BHYT là 63.800 tỷ đồng, trong khi đó tổng chi BHYT là 70.800 tỷ đồng, bội chi đến 7.000 tỷ đồng và con số bội chi vẫn đang có chiều hướng gia tăng.

Trước thực trạng, nhiều người có thẻ BHYT đua nhau đi khám bệnh, thậm chí chẳng đau ốm gì cũng đi khám bệnh như đi “chợ phiên” chỉ để được hưởng chính sách thuốc men BHYT, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, thẳng thắn đánh giá chính sách BHYT thông tuyến nhằm tạo thuận lợi cho người dân có BHYT khi đi khám chữa bệnh, nhưng cũng là kẽ hở để không ít người lợi dụng chính sách nhằm trục lợi BHYT. Trong khi đó, việc xử lý các trường hợp khám chữa bệnh nhiều lần lại gặp khó khăn do chưa có quy định xử lý. 

Đại diện BHYT Việt Nam cũng chỉ rõ, dấu hiệu trục lợi không chỉ xuất hiện ở người tham gia BHYT mà còn gia tăng ngay cả ở các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, BV như: tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X-quang, sử dụng thuốc giá cao, kéo dài thời gian điều trị nội trú. Mới đây, BHXH Việt Nam đã kiểm tra một BV có 300 hồ sơ của khoa da liễu thì 100% có chỉ định thực hiện siêu âm, dù hồ sơ bệnh án không có biểu hiện gì.

Để giải quyết tình trạng trục lợi BHYT, ông Phạm Lương Sơn cho rằng, một trong các giải pháp quan trọng là đưa vào sử dụng hệ thống giám định điện tử trên toàn quốc. Lịch sử khám chữa bệnh của người tham gia BHYT sẽ được lưu vào hệ thống, qua đó sẽ kiểm soát được tình trạng người có BHYT đi khám chữa bệnh nhiều lần tại một hoặc nhiều cơ sở, tránh được chỉ định trùng thuốc, trùng xét nghiệm.

Cùng với đó, cơ quan bảo hiểm cũng sẽ tạm dừng hợp đồng đối với các BV nếu phát hiện lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT. Đối với cá nhân người có thẻ BHYT trục lợi sẽ xem xét tạm ngừng cấp thẻ BHYT. BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế xây dựng phác đồ chuẩn và các quy định cụ thể về việc chỉ định chụp X.quang, xét nghiệm, nội soi, siêu âm... để làm cơ sở cho cơ quan BHXH xác định có lạm dụng hay không.

Tin cùng chuyên mục