“Đua” kiểm định chất lượng


Chưa bao giờ vấn đề kiểm định chất lượng (chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo) được các trường ráo riết và dốc sức thực hiện như hiện nay. 
Sinh viên Trường Đại học Sài Gòn trong giờ học thực hành. ẢNH: HOÀNG HÙNG
Sinh viên Trường Đại học Sài Gòn trong giờ học thực hành. ẢNH: HOÀNG HÙNG

Rất nhiều các tổ chức kiểm định trong nước lẫn quốc tế được lựa chọn. Kết quả đã có hàng trăm chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo đạt chuẩn. Song vấn đề hậu kiểm, so sánh đánh giá chất lượng khi chưa đạt và đã đạt dường như chưa được các trường quan tâm đúng mức. 

Những con số ấn tượng 

Thống kê cho thấy, cả nước hiện nay có đến 112 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định AUN-QA, là tổ chức kiểm định của Mạng lưới các trường đại học (ĐH) Đông Nam Á. Với chuẩn này, cả khu vực Đông Nam Á hiện chỉ có 361 chương trình. Cả nước có 2 trường đạt chuẩn kiểm định của khu vực (toàn khu vực có 6 trường); 5 trường đạt chuẩn HCERES (Pháp) là Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng; 4 chương trình đạt chuẩn kiểm định của ABET (Hiệp hội Kỹ thuật và Công nghệ Hoa Kỳ)…

ĐH Quốc gia TPHCM hiện là đơn vị đi đầu cả nước trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo với chuẩn khu vực và quốc tế. Đến nay, ĐH này là thành viên của các tổ chức đảm bảo chất lượng có uy tín như: AUN-QA, Mạng lưới chất lượng châu Á - Thái Bình Dương (APQN), Mạng lưới các tổ chức đảm bảo chất lượng quốc tế (INQAAHE)…; đồng thời là đơn vị đào tạo có kiểm định quốc tế nhiều nhất của cả nước với 2 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET, 7 chương trình chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV) được công nhận đạt tiêu chuẩn Ủy ban Bằng kỹ sư Pháp (gọi tắt là Ủy ban CTI) và 45 chương trình đạt chuẩn AUN-QA; tiên phong áp dụng mô hình CDIO trong đào tạo, với 5 trường thành viên tham gia ở 62 chương trình đào tạo (chiếm 75% tổng số chương trình đào tạo của toàn ĐH Quốc gia TPHCM). Không dừng lại đó, các trường thành viên của ĐH này tiếp tục đặt mục tiêu mỗi trường ít nhất có 1 - 3 chương trình đạt chuẩn AUN-QA và thêm một số trường đạt chuẩn AUN-QA.

Hàng loạt trường đã đạt chuẩn kiểm định của Bộ GD-ĐT (như Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Tài chính Marketing, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM…) hiện tiếp tục đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ kiểm định các chương trình theo chuẩn AUN-QA, ABET… Trường ĐH Sư phạm TPHCM, sau khi đạt chuẩn kiểm định của Bộ GD-ĐT, hiện đầu tư hơn 87.300EUR để thực hiện nâng cao công tác quản trị và chuẩn bị để tiếp cận các chuẩn kiểm định của khu vực và quốc tế. 

Chuẩn chất hậu kiểm định

Bức tranh thực tế kiểm định của giáo dục ĐH, cao đẳng cho thấy, việc lựa chọn mô hình, công cụ và quy trình kiểm định cần phải linh hoạt vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô, đặc thù, ngành học, nguồn lực… Do đó, không có một mô hình hay hình thức kiểm định nào chung cho tất cả các trường. Điều quan trọng là công tác kiểm định, đảm bảo chất lượng phải được xây dựng và tuân thủ một cách đồng bộ, phải quyết tâm cải tiến liên tục ngay bên trong trường.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng: “Công tác đảm bảo chất lượng, kiểm định phải luôn được xác định là nội dung cốt lõi và tối quan trọng trong tất cả các hoạt động của một cơ sở đào tạo. Đây cũng là mục tiêu quan trọng nhất mà thời gian qua ĐH Quốc gia TPHCM luôn theo đuổi. Nếu công tác đảm bảo chất lượng thực hiện tốt thì từ việc kiểm định cho đến tham gia các tổ chức xếp hạng sẽ được thuận lợi hơn”. 

Đối chiếu với mục tiêu đặt ra về công tác kiểm định trong giai đoạn 2016-2020, ĐH Quốc gia TPHCM đã hoàn thành chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Chính cho rằng: Hệ thống đảm bảo chất lượng chủ yếu tập trung vào hoạt động đào tạo mà chưa triển khai tương xứng tới các hoạt động khác như nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. Đặc biệt, chưa có một đơn vị nào giám sát cải tiến chất lượng, nghiêu cứu so sánh sau khi đã đạt chuẩn kiểm định.  

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), nhận định: Văn hóa chất lượng phải được thực hiện thực chất và mang tính bắt buộc. Kiểm định được hiểu là một trong các công cụ chính đảm bảo chất lượng đào tạo. Nhờ các tiêu chuẩn kiểm định mà trường sẽ tự “soi gương”, đánh giá mức độ đạt được so với tiêu chuẩn kiểm định và cải thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. “Cơ sở đào tạo cần nhận thức kiểm định bởi những tổ chức có uy tín là trách nhiệm giải trình của nhà trường trước xã hội và là dịp để biết được những hạn chế trong cải thiện chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, kiểm định chỉ là công cụ đảm bảo chất lượng, không phải là “chìa khóa vạn năng” để nâng cao chất lượng, vì còn tùy thuộc vào ai là người sử dụng công cụ này và sử dụng như thế nào”, TS Hoàng Ngọc Vinh phân tích.

Tin cùng chuyên mục