Dưa hấu ở Quảng Ngãi “giải cứu” đến bao giờ?

Thời gian gần đây, giá dưa hấu tại Quảng Ngãi liên tục biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều nhóm thiện nguyện, đoàn viên thanh niên đã “giải cứu” dưa hấu cho nông dân. Tuy nhiên, điệp khúc “giải cứu” dưa hấu đã tồn tại nhiều năm nay với cảnh “được mùa- mất giá” và ngược lại. Tỉnh Quảng Ngãi vẫn loay hoay tìm giải pháp cho dưa hấu.

Giải cứu dưa hấu thời Covid-19

Vụ Đông-Xuân 2019-2020, tỉnh Quảng Ngãi có 734ha diện tích dưa hấu, thu hoạch liên tục từ tháng 2 đến tháng 4, năng suất bình quân 255,3 tạ/ha. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu dưa hấu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc gặp khó khăn.

Do không xuất được sang Trung Quốc nên giá dưa hấu liên tục biến động, giá mua tại ruộng đối với dưa Hắc mỹ nhân khoảng 1.000-4.000 đồng/kg, tùy thời điểm; giá dưa Hồng lương giá khoảng 700-2.500 đồng/kg. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có giá dưa xuống thấp chỉ vài trăm đồng/kg như: huyện Đức Phổ, Sơn Tịnh,…

Hiện tại, thị trường dưa hấu tiêu thụ chủ yếu vẫn là nội địa, thương lái mua đi bán lại tại các địa phương trong nước.

Giá dưa hấu xuống thấp đã khiến nhiều cánh đồng của nông dân phải bỏ không thu hoạch, cho trâu bò ăn hoặc bán với giá “rẻ như cho”. Trung bình mỗi sào dưa ít nhất mất hơn 3 triệu đồng chưa kể công chăm sóc, thu hoạch.

Dưa hấu ở Quảng Ngãi “giải cứu” đến bao giờ? ảnh 1 Đoàn viên thanh niên Huyện đoàn Lý Sơn "giải cứu" dưa hấu cho nông dân huyện Bình Sơn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Với tình trạng này, các nhóm thiện nguyện, đoàn thanh niên đã hỗ trợ tiêu thụ dưa hấu cho nông dân. Trước nhất là huyện Bình Sơn, nơi có diện tích dưa hấu lớn nhất tỉnh với 272ha.

Ngay từ khi có thông tin cửa khẩu xuất sang Trung Quốc tạm đóng do ảnh hưởng dịch Covid-19, huyện đã ra văn bản vận động cùng hỗ trợ tiêu thụ dưa hấu, chủ động phương án cho “giải cứu” dưa hấu.

Bà Hà Thị Anh Thư, Bí Thư Huyện ủy Bình Sơn, chia sẻ, Huyện đoàn và Liên đoàn Lao động huyện đã hỗ trợ tiêu thụ 70 tấn dưa hấu cho nông dân, còn lại bà con tự bán cho thương lái. Đồng thời, Hội Doanh nhân trẻ và Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh đã ra làm việc với bà con trồng dưa tại xã Bình An, cũng là xã gặp khó khăn nhất trong tiêu thụ dưa hấu và giao cho một hộ dân làm đầu mối sẽ thu mua dưa trong thời gian đến.

Anh Phạm Văn Vương, Bí thư Huyện đoàn Lý Sơn, cho biết: “Chia sẻ với nông dân trồng dưa, đoàn thanh niên cũng vận chuyển 7 tấn dưa của nông dân huyện Bình Sơn ra đảo Lý Sơn hỗ trợ tiêu thụ. Ngay sau một ngày dưa về đến đảo thì đã bán ra hết".

Tại huyện Mộ Đức, Đoàn Thanh niên và Hội Nông dân thị trấn Mộ Đức cũng đã hỗ trợ “giải cứu” dưa hấu cho nông dân trên địa bàn huyện. Ngoài ra, các nhóm tình nguyện của các bạn trẻ giúp nông dân bán dưa hấu với giá bán từ 3.000-6.000 đồng/kg.

Bài toán tiêu thụ dưa hấu

Việc “giải cứu” dưa hấu đã diễn ra trong nhiều năm, điệp khúc “được mùa-mất giá” và ngược lại vẫn là mối lo của nông dân. Dưa hấu phụ thuộc thị trường Trung Quốc, đầu ra bấp bênh, lại xuất theo đường tiểu ngạch. Hiện vẫn chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào thu mua dưa, chế biến, xuất khẩu theo con đường chính ngạch ở tỉnh Quảng Ngãi. Do vậy, trồng dưa hấu của nông dân cũng là “đánh cược” với thị trường.

Bà Trần Ngọc Yến Trang, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Trồng dưa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu là trồng tự phát, nông sản này có đầu ra không ổn định do phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Sau những lần giải cứu nông sản, hỗ trợ tiêu thụ thì nông dân vẫn tiếp tục trồng. Một phần nguyên nhân bởi dưa hấu đầu tư không nhiều, thời gian thu hoạch ngắn nhưng nếu bán được giá thì thu lời rất cao. Thời điểm bên Trung Quốc chưa tới mùa dưa thì Trung Quốc sẽ thu mua hết dưa cho nông dân nhưng khi vào mùa hoặc gặp khó khăn như dịch Covid-19 thì dưa hấu không xuất được. Bên cạnh đó, dưa hấu xuất khẩu được bảo quản rất thô sơ, chỉ phủ rơm khi vận chuyển, dẫn đến không giữ được lâu và dễ giảm chất lượng sản phẩm".

Bà Trang khẳng định: “Giải cứu dưa hấu chỉ giải quyết phần ngọn chứ không giải quyết được phần gốc”.

Dưa hấu ở Quảng Ngãi “giải cứu” đến bao giờ? ảnh 2 Tiêu thụ dưa hấu phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, giá cả bấp bênh, không ổn định. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Trong bối cảnh tình hình như hiện nay, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp đang tập trung nhiều giải pháp để góp phần giải quyết tình trạng “được mùa-mất giá” cũng như ảnh hưởng tiêu thụ do dịch Covid-19 đối với các mặt hàng nông sản nói chung, trong đó dưa hấu là cây trồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Rất nhiều các giải pháp được đề ra, Sở NN-PTNT cũng đã đưa ra các kiến nghị như tổ chức lại các cơ quan thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, định hướng khả năng tiêu thụ… Về lâu dài, giải pháp vẫn là nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP,… Quy trình sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ, tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ vào các đối tượng cây trồng nói chung và dưa hấu nói riêng, nhằm mục đích rải vụ, giảm tổn thất do thu hoạch tập trung khó tiêu thụ…

Ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: "Các địa phương cần phải quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy trong trồng trọt, hạn chế tình trạng trồng theo phong trào, chỉ dựa vào thị trường Trung Quốc".

Hiện nay, ngoài diện tích đã thu hoạch xong, vẫn còn 370ha dưa đang giai đoạn nuôi quả, sắp thu hoạch. Tuy nhiên bên những ruộng dưa sắp thu, nông dân lại tiếp tục xuống giống mới.

Ông Vĩnh cho biết thêm: “Trước diễn biến dịch Covid-19 ảnh hưởng thị trường tiêu thụ dưa hấu, Chi cục đã đề nghị các địa phương khuyến cáo, tuyên truyền, quán triệt cho nông dân dừng sản xuất dưa hấu vụ Hè-Thu, những khoảng đất đã chưa canh tác ưu tiên chuyển đổi cây trồng. Một số giải pháp khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả mà ngành nông nghiệp đã có hướng dẫn cụ thể như ngô, lạc, mè,… tùy từng điều kiện thổ nhưỡng, địa hình của địa phương cũng định hướng chương trình Mỗi xã một sản phẩm”.

Tin cùng chuyên mục