Đưa công nghệ mới vào trồng rau

Lâm Đồng là địa phương đi đầu cả nước trong việc đưa công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Những trang trại áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới giúp tăng năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản, nhờ đó giá trị sản xuất trên cùng một diện tích đất ngày càng được nâng cao.
Phát triển đột phá nhờ công nghệ
Tại trang trại hơn 2,3ha của Công ty TNHH Trường Phúc (TP Đà Lạt), ban đầu chỉ là những vườn rau trồng ngoài trời phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên khi mưa nhiều năng suất nông sản của trang trại bị ảnh hưởng thì nay sau 2 năm, công ty đã quyết định sử dụng 6.000m2 đất để trồng xà lách thủy canh bằng vật tư nhập khẩu từ Thái Lan và Israel.
Ông Tô Quang Dũng, Giám đốc Công ty Trường Phúc, cho biết, để thực hiện được quy trình sản xuất khép kín, công ty đã mua giống rau của các công ty chuyên phân phối giống nhập khẩu từ các nước, hoặc mua giống in vitro từ các cơ sở nuôi cấy mô thực vật để kiểm soát giống sạch bệnh, có tính đồng nhất và ổn định về năng suất, chất lượng.
Công nghệ tưới phun sương, phun mưa, nhỏ giọt hoàn toàn tự động và hệ thống cảm biến theo dõi chế độ dinh dưỡng của cây rau cũng được tích hợp nhằm tạo ra sản phẩm an toàn nhất và đa dạng cung cấp ra thị trường.
Đưa công nghệ mới vào trồng rau ảnh 1 Nhờ ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô rộng rãi giúp cây trồng kháng bệnh tốt, năng suất cao 
Với cách làm tương tự, anh Nguyễn Định (32 tuổi, phường 8, TP Đà Lạt) khi bước chân vào làm nông nghiệp đã xác định sản phẩm rau, củ, quả làm ra phải dựa trên cơ sở nông nghiệp hiện đại. 1ha sản xuất nông nghiệp của gia đình anh Định đều được làm nhà kính.
Để phòng ngừa các loại bệnh trên cây trồng, anh Định lựa chọn và sử dụng các loại giống kháng bệnh, năng suất cao, được nhập từ các nước tiên tiến. Toàn bộ khu vườn được quản lý sâu bệnh gây hại trên cây trồng từ những chế phẩm sinh học tiên tiến, xen kẽ với sử dụng các loại thiên địch, cây xua đuổi, bẫy côn trùng.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, sản xuất rau trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển đột phá nhờ ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 18.968ha rau canh tác ứng dụng công nghệ cao, diện tích gieo trồng đạt 61.993ha, sản lượng 2,19 triệu tấn (chiếm 96,7% tổng sản lượng). 
Thách thức lớn nhất
Giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, việc áp dụng đồng bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng cũng gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là về vốn, quỹ đất và nguồn lao động.
Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty Dalat GAP cho rằng, việc áp dụng đồng bộ công nghệ vào sản xuất ở tất cả diện tích hiện nay là điều rất khó khăn, do chi phí đầu tư rất lớn. Nếu như đầu tư 1ha nhà kính trồng rau hết khoảng 2 - 2,6 tỷ đồng (khung nhà và màng plastic), thì nhà kính có hệ thống quạt, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt, hệ thống lưới chắn sáng, chi phí lên tới 4 tỷ đồng/ha.
Ngoài ra, nguồn nhân lực để đáp ứng được việc vận hành công nghệ tại trang trại rau hiện nay cũng khan hiếm. Ông Lê Văn Cường phân tích: “Hiện nay chúng tôi có 6 kỹ thuật vận hành, hơn 50 lao động trực tiếp tham gia quy trình chăm sóc, thu hoạch rau, ớt, dâu tây, cà chua công nghệ cao. Phần lớn những người nộp đơn xin tuyển dụng, bao gồm cả cử nhân chuyên ngành nông nghiệp khi mới vào làm đều không thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Chúng tôi phải đào tạo lại để người lao động làm quen với môi trường mới”. 
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết ứng dụng khoa học công nghệ đã có tác động rất lớn đối với sản xuất rau của Lâm Đồng, góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; xây dựng và phát triển thương hiệu, từ đó sản xuất rau gắn với thị trường mục tiêu được hình thành và có những bước tiến khả quan cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Đến nay, toàn tỉnh có 35 chuỗi rau, củ quả với 1.144 hộ liên kết, diện tích 1.631,24ha, sản lượng 151.765 tấn/năm. Sản phẩm của các chuỗi được tiêu thụ thông qua hợp đồng, trong đó 80% bán cho siêu thị, trung tâm thương mại; 20% bán cho chợ đầu mối. 
Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần phải có công nghệ. Trong khi đó, thách thức lớn hiện nay đối với Lâm Đồng là đa số người sản xuất sở hữu đất đai quy mô nhỏ, địa hình phức tạp bị chia cắt, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đủ để ứng dụng cơ giới hóa, hiện đại hóa, tự động hóa trong sản xuất, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm.
“Trong điều kiện sản xuất hiện nay, địa phương luôn khuyến khích người dân từng bước thay thế các nhà kính kém chất lượng, các nhà kính có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp sang đầu tư nhà kính hiện đại. Nỗ lực thực hiện đồng bộ trong thiết kế nhà kính theo hướng hiện đại, phù hợp với quy hoạch để gắn kết trong phát triển du lịch nông nghiệp”, ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục