Du xuân đầu năm mới Mậu Tuất 2018: Đậm đà bản sắc dân tộc

Trong đêm giao thừa Tết Mậu Tuất 2018 và những ngày đầu năm mới, trên khắp mọi miền đất nước, người dân đã tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí phong phú và đa dạng. Trong đó, đáng ghi nhận khi ở nhiều địa phương, các hoạt động văn hóa - văn nghệ dân gian đã thu hút sự hưởng ứng của nhiều người.

Tại Hà Nội, tiết trời se lạnh vào lúc sáng sớm rồi dần hửng nắng. Vì thế ngay trong những ngày đầu năm, người dân thủ đô đã sớm có những chuyến du xuân.

Khai mạc từ chiều 9-2, nhưng Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ thực sự “nóng” vào sáng mùng 1 tết (16-2) khi hàng vạn người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đổ về đây để du xuân, xin lộc chữ. Ở Văn Miếu năm nay tiếp tục duy trì hai khu vực xin chữ ở nhà Thái Học và hồ Văn. Tại đây, người du xuân, xin chữ còn có không gian để trò chuyện, bày tỏ mong ước với các ông đồ để lựa chọn một chữ thật “đắt” chúc cho mọi sự năm mới gặp nhiều thuận lợi.

Xin chữ thư pháp tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám mùng 2 Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Ảnh: Quang Phúc

Chính thức khai mạc vào sáng mùng 3 tết, Phố sách Mậu Tuất 2018 (trên phố 19 Tháng 12) cũng trở thành một điểm thu hút sự tham gia đông đảo của người dân thủ đô trong những ngày đầu xuân. Phố sách còn duy trì không gian giới thiệu báo xuân và nghệ thuật thư pháp, bạn đọc sẽ được viết tặng chữ thư pháp miễn phí trong suốt thời gian tổ chức phố sách xuân. 

Tại TPHCM, vào đêm giao thừa Tết Mậu Tuất, hàng ngàn người dân TPHCM và du khách đã đổ về khu vực trung tâm TP, thưởng thức và tham gia các hoạt động VH-NT đông nhất là khu vực bắn pháo hoa tầm cao tại đầu đường hầm vượt sông Sài Gòn (quận 2).

Năm nay, điểm đến hấp dẫn tại TPHCM vẫn là Đường hoa Tết Mậu Tuất, tổ chức ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ. Hàng ngày, có hàng chục ngàn lượt khách tìm đến đường hoa thưởng lãm và chụp hình lưu niệm. Đây là năm thứ 15 liên tiếp, TPHCM tổ chức đường hoa để chào mừng Tết Nguyên đán, và đường hoa năm nay có chủ đề “Khát vọng vươn cao”, dài 720m. Ngoài ra, đường hoa Tết Mậu Tuất còn tạo một sân chơi riêng cho các em thiếu nhi với đại cảnh “Xuân trẻ thơ”. Một điểm đến quen thuộc khác là Hội hoa xuân Tao Đàn, tập trung nhiều kỳ hoa, dị thảo từ cả nước nên thu hút rất nhiều người đến thưởng lãm, chụp hình vào dịp tết năm nay.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến Đường sách Tết Mậu Tuất, Đường sách TPHCM (trên đường Nguyễn Văn Bình), phố ông Đồ (khu vực Nhà Văn hóa Thanh niên)… cũng là điểm đến ưa chuộng của người dân TPHCM và du khách trong những ngày xuân.

Người dân xem bắn pháo hoa đêm giao thừa tại TPHCM. Ảnh: Dũng Phương
Tại khu vui chơi giải trí Cocobay Đà Nẵng tổ chức hội tết “Ngất ngây sắc xuân 3 miền”, tái hiện lại tinh hoa văn hóa của ngày tết 3 miền Việt Nam xưa, mang đến cho du khách những trải nghiệm về một cái tết cổ truyền trọn vẹn nhất bên gia đình. Ngoài ra, người dân còn tham gia các trò chơi dân gian, như: đập nồi đất, nhảy sạp, ném lon, ném vòng cổ vịt, đi cà kheo, gánh thóc về làng, làm tò he…

Trong khi đó, tại phố cổ Hội An cũng có nhiều hoạt động văn hóa, giải trí đặc sắc. Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật đêm giao thừa với Đoàn rước sắc bùa chúc xuân diễu hành khắp các tuyến phố để mang niềm vui và may mắn đến cho mọi người. Các làng nghề truyền thống tại Hội An cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống theo phong tục của Làng, như: Giỗ Tổ nghề mộc Kim Bồng tại xã Cẩm Kim; lễ hội cầu bông Trà Quế tại xã Cẩm Hà; hội bắp nếp Cẩm Nam...

Du xuân đầu năm mới Mậu Tuất 2018: Đậm đà bản sắc dân tộc ảnh 3 Tặng chữ đầu xuân tại Đại nội - Huế. Ảnh: VĂN THẮNG
Những ngày đầu xuân, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mở cửa miễn phí tham quan các di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế đối với khách nội địa, nên đã thu hút rất đông khách thập phương. Ấn tượng nhất là du khách được thỏa sức thưởng thức và trực tiếp tham gia các hoạt động văn hóa tại Hoàng thành Huế - vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành Huế có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành - nơi dành riêng cho vua và hoàng tộc. Bên cạnh những trò chơi cung đình, khu vực Hoàng cung Huế những ngày đầu năm mới còn có nhiều hoạt động biểu diễn phục vụ du khách như: chương trình Lễ đổi gác, biểu diễn Đại nhạc, Tiểu nhạc; múa lân sư rồng…

Từ chiều 17 đến ngày 18-2 (mùng 3 Tết Mậu Tuất), khách du lịch từ TPHCM, các tỉnh phía Nam, Nam Trung bộ và Tây Nguyên bắt đầu ùn ùn kéo đến Đà Lạt du xuân. Ngoài lượng khách chính đi bằng ô tô con của gia đình, Đà Lạt đón một lượng lớn khách đi bằng xe gắn máy, chủ yếu là các nhóm khách trẻ đến từ các tỉnh lân cận như: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Đắk Nông, Đắk Lắk.

Lượng khách tăng đột biến đã khiến hệ thống cơ sở lưu trú với công suất khoảng 40.000 lượt người/đêm tại Đà Lạt rơi vào tình trạng căng thẳng. Nhiều khách sạn ở các tuyến phố trung tâm đã được khách đặt kín phòng trong các ngày từ mồng 2 đến mùng 4 tết. Giá phòng cũng tăng mạnh so ngày thường. Một số khách sạn mặc dù vẫn treo bảng thông báo “còn phòng” ở trước cửa, nhưng thực tế không còn phòng phục vụ khách. 

Nhiều điểm du lịch ở ĐBSCL thu hút rất đông du khách đến tham quan, vui chơi trong những ngày Tết Mậu Tuất 2018. Ngày 18-2 (mùng 3 tết), Đường hoa nghệ thuật Cần Thơ - Xuân Mậu Tuất 2018 tiếp tục thu hút hàng ngàn người dân khắp vùng ĐBSCL đến du xuân, thưởng ngoạn. Đây có thể nói là điểm nhấn đang chú ý của Tây Đô, nơi được xem là thành phố trung tâm của ĐBSCL. Đường hoa có 28 mô hình tiểu cảnh, được phân chia thành 4 đoạn với nhiều nét chấm phá đặc sắc, hấp dẫn gần gũi với vùng sông nước miền Tây.

Tại Làng du lịch Mỹ Khánh (TP Cần Thơ) có rất đông khách từ các nơi về đây vui chơi như đi xe điện, xe ngựa, xem cá kiểng, các trò chơi thiếu nhi, xem đua chó, đua heo, xiếc khỉ, câu cá sấu, chèo thuyền… Đồng thời, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản miền Tây, các loại bánh dân gian Nam bộ…

Trước đó, nhiều người dân trong vùng như Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp… đã có dịp quay quần bên nhau tại các điểm bắn pháo hoa để đón chào năm mới. Tại nhiều vùng nông thôn, các xã cũng tổ chức đêm văn nghệ mừng xuân với nhiều tiết mục đờn ca tài tử đặc trưng văn hóa phương Nam. Tại Kiên Giang, du khách kéo về rất đông vào những ngày tết; trong đó đông nhất là đảo ngọc Phú Quốc, các điểm du lịch ở Hà Tiên và khu lấn biển Rạch Giá với những đường hoa, chợ hoa rất ấn tượng.

Tin cùng chuyên mục