Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học: Sửa nhiều lần vẫn rối

Ngày 13-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học với sự tham gia của nhiều đại diện sở, ngành, cán bộ quản lý từ các trường mầm non đến ĐH trên địa bàn TPHCM.
Mặc dù qua nhiều lần góp ý sửa đổi nhưng đến nay hai dự thảo luật này vẫn còn nhiều điểm “nghẽn”, chưa đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học: Sửa nhiều lần vẫn rối ảnh 1 Vấn đề chăm lo chính sách cho nhà giáo vẫn còn mơ hồ  trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
Vẫn lo chính sách cho nhà giáo
Nhận định về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, thẳng thắn: “Nhiều nội dung trong dự thảo luật còn quá chung chung, một số điều luật diễn giải y như nghị quyết Đảng, chưa đưa được triết lý giáo dục vào trong luật. Vì vậy, để luật đi vào cuộc sống cần thêm nhiều nội dung cụ thể hơn”. Bà Thảo cho rằng, chương trình giáo dục tổng thể hiện nay vẫn nặng tính hàn lâm, chạy theo thành tích, yêu cầu học sinh học thuộc lòng quá nhiều nên triệt tiêu sự sáng tạo của các em. Thêm vào đó, mục tiêu giáo dục kỹ năng sống, đạo đức làm người chưa được quan tâm đúng mức, học sinh phải học lý thuyết rất nhiều nhưng không có kỹ năng vận dụng giải quyết các tình huống đặt ra trong thực tế. 
Ở góc độ khác, GS Phạm Phụ lo lắng về quy định học phí theo mức thu nhập bình quân của người dân hiện nay không còn phù hợp điều kiện thực tế mới với nhiều đòi hỏi cao hơn về chất lượng giảng dạy. Mỗi năm ngân sách nhà nước dành hơn 20% chi cho lĩnh vực giáo dục đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với lĩnh vực mang tính đặc thù này. “Trong điều kiện ngân sách chi không thể tăng thêm, học phí khó tăng vì lo ngại tác động lớn đến xã hội, vậy chúng ta biết lấy nguồn nào để tăng lương giáo viên?”.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh, cho biết, muốn có hiệu quả giáo dục tốt cần quan tâm trước hết đời sống giáo viên. Bởi nếu xem giáo dục là hoạt động theo cơ chế dịch vụ, học sinh là khách hàng thì học phí chính là chi phí người học bỏ ra để được đáp ứng các nhu cầu về chất lượng đào tạo. Học phí cao hay thấp sẽ tương đồng các mức yêu cầu về chất lượng. 
Trước yêu cầu đó, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) đề xuất, nên lấy kinh phí miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm - vốn không còn nhiều sức hút với học sinh lớp 12 trước lựa chọn xét tuyển ĐH-CĐ, dành cho việc đãi ngộ, hỗ trợ lương cho giáo viên để tăng sức thu hút, giúp các thầy, cô yên tâm công tác và gắn bó với nghề.
Né tránh nhiều vấn đề quan trọng
Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, TS Trần Du Lịch cho biết, dự thảo lần này là lần thứ 5 sửa đổi, trong đó có tổng cộng 39 điều được sửa đổi và 2 điều bổ sung thêm, chiếm tỷ lệ 53% tổng số điều luật. Tuy nhiên, thay vì tập trung giải quyết các điểm “nghẽn” về tự chủ và quản trị đại học, quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học thì dự thảo lại có có thêm nhiều điều luật không cần thiết.
Cụ thể, toàn bộ 9 điểm của điều 12, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học đều “hô khẩu hiệu theo kiểu đặt ra cho có, chính sách mơ hồ thì ban hành ra để làm gì, chỉ khiến toàn bộ luật thêm rối”. Đặc biệt, các vấn đề về “đại học phi lợi nhuận”, “thương mại hóa giáo dục” đang đặt ra bức thiết trong thời gian gần đây lại bị né tránh trong dự thảo lần này. TS Trần Du Lịch kiến nghị: Nên quy quản lý giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp về cùng một mối, tránh tình trạng hai bậc học có tính liên thông lại do hai bộ chủ quản tạo ra nhiều khó khăn cho cả người học lẫn đơn vị tổ chức giảng dạy. 
Theo đại biểu Võ Song Toàn, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, mục tiêu của các trường đại học hiện nay là cung cấp cho người học cả ba yếu tố kiến thức, kỹ năng và thái độ. Nhưng dự thảo luật chỉ xoay quanh hai yếu tố kiến thức và kỹ năng, bỏ quên việc giáo dục đạo đức, thái độ nghề nghiệp cho sinh viên. Mặt khác, theo ý kiến của nhiều đại biểu, nhiều khả năng hai dự thảo luật chưa ban hành đã có nguy cơ lạc hậu do không đề cập đến một số phát triển mới của ngành giáo dục như hình thức học tập tại nhà (home schooling), quy định điều kiện nhập học cho đối tượng con Việt kiều (không có hộ khẩu thường trú và khai sinh tại Việt Nam), một số loại hình đào tạo mới như trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp… 
Tổng hợp các ý kiến đóng góp, Thành ủy viên, Phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá hai dự thảo luật còn thiếu tính đột phá, chưa thấy rõ mục tiêu giáo dục và đào tạo, còn nhiều nội dung cần được làm rõ mới có thể đi vào cuộc sống. 
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) bày tỏ lo lắng khi sắp tới, các trường học phải đóng thuế đối với nguồn thu sự nghiệp tại đơn vị. “Theo quy định nhà nước, bậc tiểu học không thu học phí. Do đó, toàn bộ chi phí mua sắm, sửa chữa nhỏ trong trường như thay bóng đèn, sửa vòi nước, chăm lo đời sống giáo viên đều phải dựa hoàn toàn vào nguồn thu từ các khoản phí bán trú, học phí buổi hai… Nếu tăng thêm quy định đóng thuế đối với các khoản thu này sẽ gây khó khăn cho đơn vị”, bà Thúy bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục