Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Đề nghị cho người dân tự bán rác thải

Một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi là chủ đề thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay, 12-8, trong khuôn khổ phiên họp thứ 47 của UBTVQH. 
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN-MT) Quốc hội Phan Xuân Dũng. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN-MT) Quốc hội Phan Xuân Dũng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đáng lưu ý, việc đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường nằm trong số những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Ở phương án Chính phủ trình, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, song chỉ những dự án có tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện. Qua tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường, chỉ các dự án thuộc nhóm I (Nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện.

Phương án này có ưu điểm là có thể áp dụng các tiêu chí môi trường để làm căn cứ xuyên suốt trong việc xác định đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ và các thủ tục môi trường khác. Nhưng dù thực hiện phương án nào cũng phải sửa một số quy định liên quan, đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường của Luật Đầu tư công để bảo đảm tính thống nhất.

Liên quan đến vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN-MT) Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, các quy định phân loại, tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng là vấn đề rất được quan tâm. Dự thảo Luật phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản (chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác) đồng thời quy định căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội từng địa phương, UBND tỉnh quyết định phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác. Bộ trưởng Bộ TN-MT hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh.

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý, phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo quy định sẽ không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.

Về lộ trình thực hiện, dự thảo luật giao UBND cấp tỉnh quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, chủng loại chất thải phát sinh trước ngày 1-1-2025.

Phát biểu về vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, phải để cho người dân tự bán rác thải thì mới có động lực để phân loại. “Nếu tôi bán rác, có tiền, không đáng bao nhiêu nhưng dù sao cũng hiệu quả hơn. Vì nếu tôi bán thì tôi mới phân loại. Đơn vị đi mua trả tiền tôi. Còn nhà máy tái chế thì đi mua lại ông vận chuyển. Nhà nước có thể hỗ trợ cho ông sản phẩm thông qua thuế thì sẽ hợp lý hơn”, ông Phúc nói. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, nếu người dân không được bán mà lại phải trả tiền thu gom, xử lý thì rất dễ dẫn đến tình trạng vứt bừa bãi, không chịu phân loại.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh vai trò của xã hội trong việc phân loại rác thải từ nguồn, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác thu gom, tái chế rác thải.

Tổng kết nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị nghiên cứu, quy định hợp lý giá dịch vụ thu gom, xử lý rác thải. Đồng tình với quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này (theo hướng tăng tính răn đe), song Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu xem xét đồng bộ, có thể đưa ngay vào dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đang được Quốc hội xem xét sửa đổi. Về đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra phối hợp đánh giá thêm, trình Quốc hội cả hai phương án. “UBTVQH chưa quyết vấn đề này”, ông nói.

Dự án dự kiến phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ:

1. Dự án đầu tư công có cấu phần xây dựng thuộc loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;

2. Dự án đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư;

3. Dự án đầu tư xây dựng được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc dự án đầu tư xây dựng thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường và thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư. 

Tin cùng chuyên mục