“Dữ liệu” cho tương lai

“Năm nay bác thay cha con tặng quà Trung thu cho con đây” là lời của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khi đến thăm và tặng quà cho em L.H.H.T., một trong 177 trẻ mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19 tại quận 8, vào ngày 20-9.

Đồng chí cũng đề nghị chính quyền phường, quận ưu tiên tiêm mũi 2 vaccine Covid-19 cho anh trai của em T.Q.D. - mất mẹ cách đây 5 năm, nay mất cha vì Covid-19 - để đủ điều kiện chạy xe công nghệ.

Cũng trong hai ngày qua, nhiều đồng chí lãnh đạo của thành phố đã đến thăm, chia sẻ nỗi mất mát người thân của nhiều trẻ em vì Covid-19, chỉ đạo chính quyền địa phương không chỉ hỗ trợ khó khăn trước mắt mà có cách thức đồng hành với các em cho đến khi trưởng thành.

Trước đó, thành phố chủ trương và chỉ đạo xây dựng kế hoạch nhằm cụ thể hóa ngay trong tháng 9 này các chính sách chăm lo lâu dài cho các trường hợp không may mắn này. Tùy vào nguyện vọng của người thân, người giám hộ; tùy vào từng hoàn cảnh, thành phố sẽ đưa ra các mức độ chăm sóc phù hợp về nơi chốn sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng, y tế và giáo dục; trong đó, theo người đứng đầu chính quyền thành phố, “có thể đưa các cháu vào trung tâm tập trung, đảm bảo việc chăm sóc và giúp các cháu có điều kiện học tập đến năm 18 tuổi. Những cháu có thể học nghề sẽ được học và hỗ trợ việc làm thông qua các hiệp hội, đoàn thể”. 

Luật Trẻ em 2016 đã nêu, trẻ em mồ côi cả cha mẹ sẽ được đưa vào diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế bởi ông, bà, cô, chú, cậu, dì, người thân, cá nhân, cộng đồng trong xóm, tổ dân phố, nhận nuôi con nuôi, đưa vào các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập. Nghị định 20 của Chính phủ từ ngày 1-7-2021 cũng đã quy định các mức hỗ trợ cho trẻ em mồ côi cha mẹ, cùng các chính sách xã hội như cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường cho đến dưới 16 tuổi. Trẻ đủ 16 tuổi đang theo học ở các trường đại học, phổ thông thì được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội cho đến tuổi 22. 

Đó là sẽ khung pháp lý căn bản để đảm bảo quyền thụ hưởng của các em và trách nhiệm xã hội, thông qua bộ phận công vụ, chuyên môn nhằm thực thi, giám sát, bảo vệ quyền lợi chính đáng của những công dân tương lai. Thước đo nhân văn, công bằng của một thể chế, hệ sinh thái xã hội có lẽ bắt đầu từ những “vạch xuất phát” như thế, không hơn. 

Với TPHCM, đây là một lộ trình lâu dài, căn cơ, đòi hỏi những người lớn tiếp nối nhau để thực hiện trách nhiệm, cũng chính là một mục tiêu nhân văn nhất mà các nhiệm kỳ tới sẽ phải tiếp tục, hoàn thành. Mà trước mắt, từ góc độ nhân văn lẫn mức độ phù hợp, các tổ chức đoàn thể là nơi cần tiếp cận, có chính sách cụ thể, nhận ủy thác nguồn chăm lo, giám sát chăm sóc các em ngay tại nơi ở, nơi sinh hoạt, học tập của trẻ để không bị đứt quãng hoặc hụt hẫng về tâm sinh lý lứa tuổi. 

Hậu quả của đại dịch Covid-19 không chỉ tàn phá một nền tảng xã hội, là sức khỏe, tính mạng con người, mà còn là hành trình dài khắc phục, hàn gắn những mất mát, tang thương. Về mặt quản trị hành chính xã hội, nếu dữ liệu và tích hợp dữ liệu trên nền tảng công nghệ để tham gia vào quá trình vận hành, quản lý bộ máy xã hội đang là yêu cầu cấp bách và cũng là thử thách tất yếu, nhất là với một đô thị lớn như TPHCM; thì về mặt “quản trị con người”, với 1.517 học sinh mồ côi trước năm học mới, 61.000 học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông đang thuộc diện hộ chính sách, khó khăn, cũng chính là “dữ liệu” mà chính quyền các cấp cần tính toán những giải pháp chăm lo vô điều kiện. 

Đảm bảo một nền tảng dinh dưỡng, y tế, giáo dục, chăm sóc tinh thần - thể chất tốt, đầy đủ, nhân văn sẽ hình thành một thế hệ công dân khỏe mạnh, văn minh, có trách nhiệm và “thấu cảm” với những vấn đề của thành phố trong tương lai.  

Tin cùng chuyên mục